Nhân dân ủng hộ là yếu tố quyết định trong công tác giải phóng mặt bằng

Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân

Ngày 30/9, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thành phố Hà Nội, do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến – Trưởng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn, đã làm việc với huyện Hoài Đức về kết quả xây dựng và thực hiện QCDC trong công tác GPMB, quản lý trật tự xây dựng (TTXD).

Nhân dân ủng hộ là yếu tố quyết định trong công tác giải phóng mặt bằng
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo

Báo cáo tại buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Đức Trần Văn Nghĩa cho biết, thực hiện QCDC đã góp phần đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”.

Trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ cơ sở ngày càng được nâng cao. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, nâng lên và tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Cụ thể, từ tháng 1/2021 đến nay, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện GPMB các nhóm dự án như: giao thông, trường học, đất dịch vụ, đấu giá, vườn hoa, sân chơi thể dục, thể thao, cụm công nghiệp và một số dự án công cộng. Với 38 dự án, liên quan đến 2.443 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 31,76ha, số tiền chi trả 354,18 tỷ đồng.

Theo đồng chí Trần Văn Nghĩa, huyện và các xã đã thực hiện nghiêm túc những việc phải công khai để người dân trong diện thu hồi đất được biết về quy hoạch dự án, các quyết định thu hồi đất, kế hoạch tổ chức thực hiện công tác GPMB, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đến nay, đã thực hiện công khai 55 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của 22 dự án với 2.717 hộ, tổng diện tích 37,18ha và số tiền là 409 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại của tổ chức, hộ gia đình bị thu hồi đất đã được các đơn vị chức năng giải quyết, trả lời theo đúng quy định của pháp luật. Do thực hiện tốt QCDC trong công tác bồi thường GPMB, các công trình, dự án có GPMB trên địa huyện cơ bản nhận được sự đồng thuận của nhân dân, việc bàn giao mặt bằng đảm bảo đúng tiến độ.

Đối với công tác quản lý TTXD, đồng chí Nghĩa thông tin, từ tháng 1/2021 đến nay, huyện đã cấp 425 giấy phép xây dựng. Nhân dân tham gia ý kiến chủ yếu thông qua họp đại diện hộ gia đình, thông qua các cuộc họp của các tổ chức trong hệ thống chính trị, các buổi tiếp xúc cử tri. Khi lấy ý kiến, chính quyền cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan và tiếp thu đầy đủ các ý kiến phù hợp do nhân dân đóng góp để tổng hợp, quyết định các vấn đề theo thẩm quyền.

Nhân dân ủng hộ là yếu tố quyết định trong công tác giải phóng mặt bằng
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Đức Trần Văn Nghĩa báo cáo tại buổi kiểm tra

Nhờ thực hiện tốt QCDC trong quản lý TTXD trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác đầu tư xây dựng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội trong giám sát và phản biện xã hội cũng được tăng cường. Nhờ vậy đã giảm số công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn huyện và góp phần quan trọng xây dựng ý thức chấp hành pháp luật của công dân, giúp chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác quản lý đô thị theo quy hoạch…

Tăng cường đối thoại với nhân dân

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận, phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, GPMB là khâu khó khăn nhất trong quá trình triển khai một dự án bởi nó tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân. Sự đồng thuận, ủng hộ của người dân là yếu tố quyết định để có thành công trong công tác GPMB. Trong khi huyện Hoài Đức nằm trong lộ trình phát triển lên quận nên có tốc độ đô thị hoá cao và đang phải giải quyết 21 dự án chậm triển khai. Đặc biệt, tới đây huyện sẽ GPMB Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô nên khối lượng công việc liên quan công tác GPMB, thu hồi đất phục vụ thi công dự án rất lớn.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, qua kiểm tra, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đã được Huyện ủy Hoài Đức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt là việc xây dựng và triển khai việc thực hiện QCDC trong loại hình mới, trong đó có việc xây dựng và thực hiện QCDC trong công tác GPMB và quản lý TTXD.

Điều này được thể hiện bằng việc Huyện ủy đã ban hành 8 văn bản lãnh đạo, trong đó có Chỉ thị số 26-CT/HU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và TTXD trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện ban hành quy chế nội bộ thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn huyện; quy chế dân chủ trong công tác quản lý TTXD ở các xã, thị trấn trên địa bàn.

Đối với công tác quản lý TTXD được huyện rà soát, niêm yết công khai trình tự và nội dung các thủ tục cấp phép xây dựng, thông tin quy hoạch theo đúng quy định hiện hành.

Nhân dân ủng hộ là yếu tố quyết định trong công tác giải phóng mặt bằng
Quang cảnh buổi làm việc

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá, nhờ thực hiện tốt QCDC trong công tác bồi thường, GPMB, quản lý TTXD nên huyện cơ bản nhận được sự đồng thuận của nhân dân và việc bàn giao mặt bằng đảm bảo đúng tiến độ, công tác TTXD được đảm bảo đúng quy định. Đồng thời, trách nhiệm của người đứng đầu và công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ được nâng cao.

Dù vậy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, nên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về thực hiện dân chủ ở cơ sở, gắn với dân vận chính quyền.

Ngoài ra, gắn việc thực hiện QCDC với các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, địa phương, cơ sở. Tăng cường đối thoại để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ. Đặc biệt, trong triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, huyện Hoài Đức cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, hướng tới chính quyền phục vụ, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các sở, ngành của Thành phố giúp đỡ, tư vấn và hướng dẫn huyện giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Hoàng Phúc

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích