Nhạc sĩ Trần Tiến: Suýt gục ngã vì bệnh ung thư giai đoạn 4, nhờ âm nhạc nên mạnh mẽ “phải sống tiếp”
Nhạc sĩ Trần Tiến: Suýt gục ngã vì bệnh ung thư giai đoạn 4, nhờ âm nhạc nên mạnh mẽ “phải sống tiếp”
“Chính lúc đó, những giai điệu âm nhạc đến với tôi, tự nhắc tôi rằng: “Trần Tiến ơi, đừng có hèn, dậy đi! Hãy tiếp tục sống”. Từ đó, tôi đã viết nên bài hát Không gục ngã”, nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ trong họp báo mới đây.
Vị nhạc sĩ tài hoa
Trần Tiến được biết đến là một nhạc sĩ lớn, có nhiều đóng góp với nền âm nhạc đương đại Việt Nam, đặc biệt trong mảng nhạc du ca, đồng dao, dân gian đương đại. Ông vừa là nhạc sĩ sáng tác ca khúc quần chúng, vừa là ca sĩ, được khán giả mệnh danh là “Người du ca Việt Nam”.
Trần Tiến sinh năm 1947 tại Hà Nội, trong một gia đình tri thức khá giả. Trần Tiến có niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ. Ông thích lang thang khắp các con ngõ nhỏ tại Hà Nội và từ đó hình thành nên chất phóng khoáng, lãng du trong phong cách sáng tác.
Năm 16 tuổi, Trần Tiến làm hậu đài cho Đoàn Ca múa Hà Nội. Sau một năm tự học, ông trở thành nghệ sĩ đơn ca của Đoàn và đi biểu diễn nhiều nơi. Năm 1971, Trần Tiến trở về Bắc. Thời gian này, ông có điều kiện theo học Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp khoa thanh nhạc và sáng tác năm 1978.
Những ca khúc đầu tiên ông sáng tác sau khi tốt nghiệp mang chủ đề yêu nước. Điều đặc biệt ở Trần Tiến là dù học hành bài bản tại Nhạc viện nhưng phong cách sáng tác của ông lại rất bình dị, hiện đại, không bị nhuốm màu cổ điển, học thuật.
Năm 1987, Trần Tiến thành lập ban nhạc Rock Đen-Trắng và lưu diễn dọc đất nước. Kể từ năm 1990 trở đi, phong cách sáng tác của Trần Tiến có sự thay đổi từ Pop đơn thuần sang hơi hướm dân gian đương đại và cũng giành được sự đón nhận của khán giả như Tùy hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng sông Hồng, Quê nhà…
Nhạc sĩ Trần Tiến là một trong số ít nhạc sĩ có sự nghiệp sáng tác đồ sộ và dài hơi, bền bỉ, khi ở bất cứ giai đoạn, thời kỳ nào ông cũng viết được những tác phẩm để đời. Dù phong cách sáng tác chủ yếu là lãng mạn, trữ tình nhưng nhạc Trần Tiến vẫn gắn liền với xã hội, đời sống một cách thiết thực.
Nhạc sĩ Trần Tiến còn có biệt tài biến những vấn đề tưởng chừng không thể thơ thành rất thơ, rất thi vị. Vì vậy, dù sáng tác theo đơn đặt hàng hay để cổ động, ông vẫn viết ra những ca khúc vô cùng bay bổng.
Trần Tiến cũng là người bạn tâm giao được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nể trọng. Sinh thời, hai người thường đàm đạo âm nhạc cùng nhau.
Nhờ sự tài hoa và cống hiến to lớn với âm nhạc, đặc biệt ở phần ca từ sâu sắc, Trần Tiến được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Ngoài ra, ông còn đoạt nhiều giải thưởng khác nhau. Ông được nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đàn em nể phục, ngưỡng mộ.
Rất nhiều ca sĩ chọn nhạc Trần Tiến để thể hiện giọng hát và thành công rực rỡ như Hà Trần, Tùng Dương, Thanh Lam, Ngọc Anh, Phương Thảo…
Nghị lực mạnh mẽ khi vượt qua bệnh ung thư bằng âm nhạc
Vào tháng 10 năm 2020, trên một số trang mạng bất ngờ xuất hiện thông tin, nhạc sĩ Trần Tiến mắc bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 4 khiến công chúng hoang mang. Tuy nhiên sau đó, cháu gái ông là diva Hà Trần đã đính chính về tình trạng sức khỏe của Trần Tiến, rằng ông chỉ bị yếu và đã được điều trị.
Trong ba năm qua, vị nhạc sĩ già vẫn thi thoảng xuất hiện tại một số chương trình, show diễn của đồng nghiệp và tự tin đứng trên sân khấu. Điều đặc biệt là dù đã ở tuổi U80, nhưng Trần Tiến vẫn rất khỏe mạnh, căng tràn năng lượng sống. Ông hát vẫn khỏe, giọng vẫn dày, ấm áp và chơi đàn vẫn nhiệt huyết, thăng hoa trên sân khấu.
Và vào ngày 2/4 mới đây, nhạc sĩ Trần Tiến gây bất ngờ khi chia sẻ thẳng thắn việc mắc trọng bệnh trong buổi họp báo ra mắt live concert mang tên Nửa thế kỷ phiêu bạt.
Ông nói: “Cuộc đời tôi bị một chứng bệnh không ra gì, bệnh nói chung của những người già, đó là bệnh ung thư. Tôi bị ung thư vòm họng, đúng cái nơi tôi dùng đi kiếm tiền nuôi vợ nuôi con, mà lại là ung thư giai đoạn 4.
Các bác sĩ bệnh viện Ung bướu đều là những người rất yêu nhạc của tôi nên đã tập trung vào cứu tôi. Trong quá trình điều trị bệnh, tôi chứng kiến nhiều người bệnh như tôi đã ra đi vì không chịu nổi sự hành hạ của tia xạ trị, hóa trị bắn vào vòm họng.
Trong lúc xếp hàng vào xạ trị, tôi thấy rất nhiều mảnh đời. Có người lính trẻ tuổi hơn tôi, thua tôi đến tận 20, 30 tuổi nhưng đã mang bệnh, lại không vợ không con, không gia đình. Bà bán hàng rong gần nhà thấy thương anh ta nên đưa đến viện để chữa bệnh. Anh ấy đã ra đi ngay trước mặt tôi khi chiếu đến tia xạ trị thứ 14.
Trong hoàn cảnh như thế, tôi rất dễ gục ngã. Đến khi trị xạ tới tia thứ 30, tôi gần như không dậy được”.
Thế nhưng chính trong giây phút đó, âm nhạc chính là liều thuốc đã giúp vị nhạc sĩ tài hoa vượt lên chính mình và vượt qua căn bệnh hiểm nghèo: “Chính lúc đó, những giai điệu âm nhạc đến với tôi, tự nhắc tôi rằng: “Trần Tiến ơi, đừng có hèn, dậy đi! Hãy tiếp tục sống”. Từ đó, tôi đã viết nên bài hát Không gục ngã.
Tôi có thể sống 200 năm nữa cũng có thể ra đi trong đêm nay. Ai rồi cũng đi, quan trọng là mình phải luôn sống trong tâm trí mọi người”, nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ trong họp báo.
Những lời chia sẻ của Trần Tiến khiến công chúng vô cùng xúc động và khâm phục nghị lực sống ở vị nhạc sĩ già tài hoa này. Ai cũng mong ông khỏe mạnh để tiếp tục ca hát.