Nhà vừa cổ điển, vừa hiện đại với phong cách nội thất chuyển tiếp

Phong cách chuyển tiếp (Transitional) ưa chuộng bảng màu trung tính, kết hợp hài hòa những đường thẳng góc cạnh và đường cong mềm mại.

Nhà vừa cổ điển, vừa hiện đại với phong cách nội thất chuyển tiếp
Phong cách chuyển tiếp chiều lòng những người thích cả truyền thống và hiện đại. Ảnh minh họa: W Design Collective.

Cổ điển và hiện đại là hai yếu tố hoàn toàn đối lập. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể kết hợp hai sắc thái này vào trong ngôi nhà nhờ phong cách chuyển tiếp (Transitional).

Phong cách này thường được mô tả là sự pha trộn giữa thiết kế truyền thống và hiện đại, giúp chủ nhà có thể sáng tạo hơn khi kết hợp các yếu tố tương phản.

Dưới đây, Architectural Digest sẽ giúp bạn có cái nhìn cụ thể hơn về nguồn gốc và đặc trưng của Transitional.

Nhà vừa cổ điển, vừa hiện đại với phong cách nội thất chuyển tiếp
Phong cách chuyển tiếp kết hợp hài hòa hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Ảnh minh họa: Ariel Okin.

Định nghĩa

Nhà thiết kế Jenn Feldman (Los Angeles, Mỹ), người sáng lập công ty kiến trúc cùng tên, cho biết phong cách chuyển tiếp thường được nhận diện bằng các tông màu, kết cấu đơn sắc và tối giản.

Những ngôi nhà theo phong cách này sẽ sử dụng các món nội thất có đường nét rõ ràng, bảng màu trung tính và điểm nhấn trang trí cầu kỳ.

Ví dụ, bạn có thể kết hợp các món đồ có đường thẳng sắc nét với đường cong mềm mại, đồng thời tạo điểm nhấn bằng một chiếc đèn bắt mắt.

Phong cách chuyển tiếp cũng có tính linh hoạt cao. Bởi vậy, chủ nhà có thể thêm một số chi tiết của phong cách tối giản hoặc hiện đại giữa thế kỷ (Mid-century) mà không ảnh hưởng đến tổng thể chung.

Nhà vừa cổ điển, vừa hiện đại với phong cách nội thất chuyển tiếp
Phong cách Transitional có một vài nét của chủ nghĩa tối giản. Ảnh minh họa: Ariel Okin.

Lịch sử

Phong cách truyền thống bắt nguồn từ châu Âu vào những năm 1700 và 1800, nổi bật với những chiếc đèn chùm và thảm trải sàn cầu kỳ.

Vào giữa thế kỷ 20, các phong cách nội thất đi theo hướng tối giản hơn và loại bỏ những chi tiết rườm rà của thiết kế truyền thống.

Hai trường phái tưởng chừng khác biệt này đã được kết hợp với nhau và dẫn đến sự ra đời của phong cách chuyển tiếp.

Nhà vừa cổ điển, vừa hiện đại với phong cách nội thất chuyển tiếp
Không gian chuyển tiếp sử dụng bảng màu trung tính, tạo cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp. Ảnh minh họa: Jenn Feldman.

Phân biệt

Phong cách chuyển tiếp và đương đại có một số nét giống nhau, nhưng bạn có thể phân biệt chúng dựa vào một số điểm cơ bản.

Những ngôi nhà đương đại kết hợp nhiều phong cách phổ biến, với các yếu tố luôn thay đổi theo mốc thời gian.

Trong khi đó, nội thất chuyển tiếp luôn được hiểu là sự kết hợp giữa thẩm mỹ truyền thống và hiện đại.

Phong cách này tạo cảm giác ấm áp, mềm mại hơn. Theo nhà thiết kế Ariel Okin (New York, Mỹ), một không gian đương đại thường sử dụng chất liệu kim loại và bảng màu có tông màu lạnh, còn thiết kế chuyển tiếp ưa chuộng bảng màu trung tính, kim loại không sơn.

Nhà vừa cổ điển, vừa hiện đại với phong cách nội thất chuyển tiếp
Các chi tiết kim loại giúp không gian có thêm điểm nhấn. Ảnh minh họa: Jenn Feldman.

Đặc điểm

Phong cách chuyển tiếp đặc trưng bởi bảng màu trung tính, gồm các màu trắng, kem, ngả vàng và xám. Thêm đó, bạn có thể bổ sung các màu trang trí qua thảm, gối hoặc tác phẩm nghệ thuật.

Đèn và các chi tiết kim loại như như chrome, nickel hay thép không gỉ cũng thường được sử dụng để tạo thêm điểm nhấn.

Đồ nội thất có nhiều đường thẳng tạo cảm giác sắc nét, tuy nhiên được làm mềm hóa nhờ kết hợp với các đường cong.

Nhà vừa cổ điển, vừa hiện đại với phong cách nội thất chuyển tiếp
Phong cách này cũng ưa chuộng các chất liệu tự nhiên như gỗ, mây. Ảnh minh họa: Jenn Feldman.

Ứng dụng

Trong phòng khách, bạn có thể chọn một bảng màu ấm và chất liệu vải thô, ví dụ như thảm mây hoặc thảm có họa tiết.

Với phòng ngủ, bạn hãy kết hợp đồ nội thất hiện đại với đồ trang trí truyền thống, ví dụ như đèn chùm hoặc đèn để bàn.

Nhà bếp theo phong cách chuyển tiếp thường sử dụng tủ trơn và góc cạnh. Khu vực bàn đảo thường có thêm đèn thả trần. Giống như nhà bếp, phòng ăn cũng sử dụng các đường thẳng và tạo kết cấu qua vải bọc ghế hoặc khăn trải bàn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích