Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng trở lại văn đàn với tập truyện ngắn “Da gấu và chuyện Trương Bốn”

PV: Thưa nhà văn, có vẻ như ông đã chuẩn bị tập truyện ngắn này trong một thời gian dài?

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Vâng, chính xác là tôi tập hợp những truyện ngắn mang phong cách hài hước, giễu nhại đã viết trong khoảng mười năm trở lại đây. Tôi viết truyện ngắn không nhiều, là bởi mỗi lúc nghĩ ra được một ý tưởng, một câu chuyện nào đó có thể kể được, lập tức tôi lại nghĩ đến sân khấu đầu tiên. Chính vì thế mà dù rất muốn, nhưng tôi cũng dành sự ưu tiên cho thể loại này. Là bởi với tôi, điều mình nghĩ đến đầu tiên luôn là điều mình có thể làm tốt nhất trong lúc đó.

Cảm giác được nhìn khán giả say sưa với những khóc cười trên sân khấu từ kịch bản mình viết ra có một hấp lực rất lớn, khiến tôi quên bẵng đi rằng có nhiều chuyện, văn học làm tốt hơn sân khấu bởi sự gợi mở của nó. Và đó là điều đáng tiếc, khi nhiều đồng nghiệp văn chương vẫn khuyến khích tôi tiếp tục công việc nặng nhọc nhưng cũng rất nhiều niềm vui này.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng trở lại văn đàn với tập truyện ngắn “Da gấu và chuyện Trương Bốn”
Tập truyện ngắn “Da gấu và chuyện Trương Bốn” của nhà văn Nguyễn Toàn Thắng.

Trong tập truyện ngắn này, đề tài showbiz được nhà văn khai thác đến độ đậm đặc, phải chăng đó là một sự cố ý hay chỉ là ngẫu nhiên?

Thật ra tôi không cố tình khai thác đề tài này, dù nhiều người cho rằng như vậy. Tôi mượn đề tài này để câu chuyện hấp dẫn hơn mà thôi, bởi showbiz hay bất cứ một đề tài nào vẫn là vấn đề con người. Chỉ là lúc viết ra những truyện ngắn đó, có một sự kiện của showbiz xảy ra trùng với ý tưởng ban đầu của tôi. Vậy thì chẳng tội gì mà không khai thác cả, đầu tiên để cho tác phẩm của mình có tính thời sự hơn. Văn học nghệ thuật nếu bám sát được hơi thở cuộc sống để chuyển tải những giá trị vững bền thì tội gì không làm. Ngay cả trong các vở diễn lịch sử hay dân gian mà tôi viết kịch bản, thì tôi cũng tự trả lời cho câu hỏi mình viết cái gì để khán giả ngày hôm nay thấy đồng cảm, thấy câu chuyện không xa lạ.

Còn nói là tôi mượn đề tài showbiz để “câu khách” thì cũng đúng, bởi đó là sự “câu khách” chấp nhận được mà. Quan trọng là từ đề tài ấy, câu chuyện ấy, người viết đem lại cho độc giả điều gì. Và vì làm sân khấu nhiều năm, nên tôi luôn nghĩ đến việc giữ mắt khán giả từ chữ đầu tiên cho đến chữ cuối cùng, như khi viết kịch bản tôi luôn phải nghĩ đến việc nếu không có gì cho khán giả xem, họ sẽ ngáp ngắn ngáp dài rồi bỏ về lập tức.

Trong tập truyện ngắn này, chúng tôi quan tâm đến hai truyện ngắn “Người da gấu năm 20xx” và “Chuyện Trương Bốn”, tạm gọi là những truyện ngắn giả tưởng và được tóm tắt làm tên sách. Có phải đó là hai truyện ngắn thể hiện rất rõ phong cách của người viết?

­Tôi có thể viết được nhiều giọng văn, nhiều thể loại. Tuy nhiên, đúng là hai truyện ngắn này và những truyện khác được viết theo phong cách này làm tôi thấy “tung tẩy” nhất. Tôi có một khả năng là nếu bịa ra một câu chuyện nào đó thì luôn được đa số tin là có thật ở đâu đó, còn nhiều khi tôi kể một câu chuyện thật nhất thì lại bị coi như nói khoác cho vui, kể cả khi tôi cam đoan là thật. Là bởi những câu chuyện thật tôi từng trải qua nó hơi khó tin đối với người khác. Chính vì thế, tôi rất thoải mái khi viết những truyện ngắn kiểu này.

Chẳng hạn như “Người da gấu năm 20xx” tôi dựa trên cốt truyện cổ tích Grim về một người bán linh hồn cho quỷ, nhưng trong truyện của tôi là bán linh hồn ngay trên hạ giới này bởi được giá hơn. Hay “Chuyện Trương Bốn” là tôi lấy từ tích dân gian về ông Trương Ba, nhưng ông Trương Bốn nhân vật của tôi có cách xử sự hoàn toàn khác, chẳng việc gì phải đau lòng khi thân xác và tâm hồn không đồng nhất cả. Bởi con người hôm nay khác nhiều so với thời xưa.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng trở lại văn đàn với tập truyện ngắn “Da gấu và chuyện Trương Bốn”
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng.

Và đó cũng là hai truyện ngắn mà ông tâm đắc nhất trong tập truyện ngắn này?

Cũng không hẳn. Khi tôi viết ra một cái gì đó ở bất cứ thể loại nào, tôi luôn lấy hiệu ứng từ khán giả, người đọc để đo mức độ tâm đắc của mình. Một tác phẩm được khán giả, độc giả và đồng nghiệp công nhận, thì tôi cũng cảm thấy hài lòng. Tôi không có quan niệm viết cho riêng mình, bởi với tôi, một tác phẩm không có phản hồi lại là một tác phẩm chết. Tôi cũng chẳng cần viết ra bây giờ để nhiều năm sau người ta mới đánh giá được. Bởi với tôi, độc giả khán giả hiện đại ngày nay quá thông minh và nhiều hiểu biết do được tiếp xúc với mạng internet, hay dở chỉ trong một thời gian ngắn là phơi bày ra hết.

Vả lại, tôi có thú vui đọc hay nghe phản hồi của công chúng, điều đó giúp mình cân chỉnh lại cách sáng tác của mình sao cho gần hơn với mọi người. Tất nhiên, vẫn phải giữ được phong cách sáng tác riêng của mình. Nói tóm lại, để lựa chọn thì “Chuyện Trương Bốn” là truyện ngắn tôi ưng nhất trong tập này, là bởi nó được Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội chọn vào mục “Nhà văn và tác phẩm tiêu biểu”. Tôi luôn tin vào sự thẩm định của những người có nghề và rất khắt khe.

Sau tập truyện ngắn này, liệu nhà văn có tiếp tục gắn bó với văn học, hay vẫn đau đáu với sân khấu?

Chắc là tôi sẽ tiếp tục với văn học, bởi khi dọn dẹp lại laptop, thấy còn một số truyện ngắn mang phong cách khác, êm dịu hơn và đọc lại cũng không tệ. Tôi có cách làm việc như một nhà sưu tầm, khi thấy số truyện ngắn còn lại đủ cho một tập nữa là sẽ lại cố gắng viết tiếp, viết nhiều để lọc lấy những truyện ngắn ưng ý nhất. Nếu tập truyện ngắn này được độc giả đón nhận, chắc chắn tôi sẽ đủ cảm hứng để tiếp tục sáng tác.

Chúc mừng nhà văn Nguyễn Toàn Thắng và chờ đón những tác phẩm tiếp theo.

Bảo Thoa (thực hiện)

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích