Nhà tù Sơn La: Trường học chính trị cách mạng Việt Nam

(Xây dựng) – Trong chuyến đi công tác tại Sơn La vào đúng dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2023), chúng tôi được ghé thăm nhà tù Sơn La – Nơi lưu giữ chứng tích lịch sử, minh chứng của một thời kỳ đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên cường đã bị thực dân Pháp đày ải, giam cầm…

Nhà tù Sơn La: Trường học chính trị cách mạng Việt Nam
Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.184 m2. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một “địa ngục trần gian” gồm các hạng mục: Cổng chính và tường rào bao quanh; hệ thống chòi canh gác; hệ thống phòng phạt giam trên mặt, dưới lòng đất; khu sân chung nhà tù…

Dưới cái nắng chói chang của những ngày tháng 7, hòa cùng dòng người đến thăm nhà tù Sơn La, chúng tôi không khỏi trào dâng nhiều cảm xúc khi chứng kiến những chứng tích lịch sử còn sót lại trong không gian tĩnh lặng và sâu lắng.

Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng kiên cố vào năm 1908 trên ngọn đồi Khau Cả, nằm cạnh dòng suối Nậm La, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, với diện tích khoảng 500 m2. Đến năm 1940, diện tích nhà tù được mở rộng thêm 1.200 m2, trở thành nơi giam giữ nhiều chiến sỹ cách mạng Việt Nam.

Đi tham quan nhà tù, hiện ra trước mắt chúng tôi là những bức tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần. Giường nằm cho tù nhân được xây dựng bằng đá láng xi măng, mép ngoài gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Đây là một trong những hình thức giam cầm tù nhân của thực dân Pháp phổ biến thời bấy giờ nhằm làm nhụt ý chí tinh thần yêu nước và chiến đấu của những người tù chính trị.

Thực dân Pháp đã biến nhà tù thành địa ngục trần gian, “chuồng cọp” để giam cầm, đày đọa làm tiêu hao sinh lực và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những chiến sỹ cộng sản. Nhưng chính từ trong ngục tù tăm tối ấy, các chiến sỹ cộng sản đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, là nơi tiếp thu tư tưởng Mác – Lênin và đường lối lãnh đạo của Đảng, là nơi ươm mầm những hạt giống đỏ để phong trào cách mạng Tây Bắc đơm hoa, kết trái sau này.

Cũng chính tại nhà tù Sơn La, những người cộng sản, tù chính trị đã thành lập những chi bộ Đảng, học tập lý luận và hoạt động cách mạng một cách bí mật. Cuối tháng 12/1939, các đồng chí đảng viên trong nhà tù bí mật họp và lập ra Chi bộ lâm thời gồm 10 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Bí thư. Tháng 2/1940, Chi bộ lâm thời được chuyển thành Chi bộ chính thức do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư. Tháng 5/1940, Đại hội Chi bộ được tổ chức thảo luận, nội dung các chủ trương công tác và bầu ra Ban Chi ủy, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư Chi bộ đề ra những chủ trương, đường lối hoạt động.

Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, quân ta đã có những trận đánh lớn, làm quân địch tổn thất nặng nề, buộc phải rút quân khỏi địa bàn Sơn La.

Vào năm 1952, trước khi rút khỏi Sơn La, thực dân Pháp đã ném bom xuống khu vực nhà tù để xóa dấu vết tội ác của chúng. Năm 1965, đế quốc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc khiến nhà tù Sơn La gần như bị phá hủy hoàn toàn.

Hiện nay, nhà tù vẫn để nguyên vẹn xà lim ngầm, xà lim chéo, trại giam hai gian, trại giam ba gian cùng những phòng giam đặc biệt chỉ rộng khoảng 1,2 m2, nơi từng giam hãm những người cách mạng và một phần nhà tù Sơn La để phục vụ cho việc giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ sau.

Bên cạnh đó, không thể bỏ qua cây đào Tô Hiệu – nơi không thể thiếu làm nên ánh sáng mùa xuân chốn ngục tù. Cây đào được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945, khi cách mạng đã thành công, tượng trưng cho tinh thần đấu tranh kiên cường của một chiến sỹ cách mạng kiên trung với Tổ quốc. Và chính biểu tượng, ý chí đó, sau này, một cành đào Tô Hiệu đã được chiết mang về trồng bên Lăng Bác. Nghĩa trang Gốc Ổi ở thành phố Sơn La cũng trồng đào sau khi lấy giống từ cây đào Tô Hiệu.

Sau chuyến đi thăm nhà tù cùng việc ghé thăm bảo tàng, chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí sắt đá và lòng quyết tâm của các chiến sỹ cách mạng, những con người mang dòng máu Việt Nam kiêu hùng, kẻ thù nào cũng đánh thắng, khó khăn nào cũng vượt qua.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Nhà tù Sơn La:

Nhà tù Sơn La: Trường học chính trị cách mạng Việt Nam
Nhà tù Sơn La: Trường học chính trị cách mạng Việt Nam

Tại nhà tù Sơn La, thực dân Pháp đã cho xây dựng nhiều trại giam, đặc biệt là khu xà lim ngầm sâu dưới lòng đất 3,5m với diện tích 110m2. Đây là một trong những khu tăm tối nhất của nhà tù.

Nhà tù Sơn La: Trường học chính trị cách mạng Việt Nam

Nơi thị uy các tù nhân trốn trại được thực dân Pháp đặt ngay gần cửa ra vào nhà tù.

Nhà tù Sơn La: Trường học chính trị cách mạng Việt Nam
Nhà tù Sơn La: Trường học chính trị cách mạng Việt Nam

Nhà tù Sơn La đã trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng những chiến sỹ cộng sản xuất sắc, đóng góp chung vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn…

Nhà tù Sơn La: Trường học chính trị cách mạng Việt Nam

Nhà tù Sơn La chính là biểu tượng của ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng bào Sơn La và của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Nhà tù Sơn La: Trường học chính trị cách mạng Việt Nam

Di tích nhà tù Sơn La gắn liền với tinh thần cách mạng của đồng chí Tô Hiệu. Cây đào ở nhà tù Sơn La được đặt tên Tô Hiệu vào năm 1945 – khi cách mạng đã thành công nhằm tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng của một chiến sỹ kiên cường. Cây đào đã trở thành địa điểm cho khách thăm quan chụp ảnh lưu niệm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích