Nhà thầu “thân quen” xuất hiện trong các dự án của SAWACO
Nhà thầu “thân quen”
Trong hàng trăm gói thầu phục vụ cho việc cung cấp nước sạch, thi công xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh do SAWACO làm chủ đầu tư. Trong các gói thầu này có nhà thầu khá “quen mặt” khi trúng hàng chục gói thầu của SAWACO và các đơn vị thành viên của SAWACO chi phối là Công ty TNHH P.T.P. hay Công ty TNHH MTV Sản xuất Phạm Sơn…
Công ty TNHH P.T.P được thành lập vào ngày 31/8/2000, doanh nghiệp có trụ sở tại số 241 Điện Biên Phủ, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện pháp luật là bà Lê Nguyễn Phương Thảo. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng …
Ngày 13/9/2023, ông Trần Quang Minh, Tổng Giám đốc SAWACO đã ký phê duyệt Quyết định số 1853 cho Công ty TNHH P.T.P trúng gói thầu cung cấp 37.300 đồng hồ nước DN15mm loại thể tích (đợt 3), tổng giá trị trúng thầu 26.882.856.000 đồng.
Trước đó, ngày 5/6/2023, Công ty TNHH P.T.P được SAWACO phê duyệt trúng gói thầu cung cấp 40.000 đồng hồ nước DN15mm loại thể tích (đợt 1) với giá trúng thầu 29.365.600.000 đồng.
Ngoài các gói thầu trực tiếp từ SAWACO, Công ty TNHH P.T.P còn trúng nhiều gói thầu từ đơn vị thành viên mà SAWACO sở hữu cổ phần, chi phối.
Cụ thể, ngày 22/8/2023 Công ty TNHH P.T.P được đơn vị này phê duyệt trúng gói thầu cung cấp đồng hồ nước DN15mm cấp C, với giá trúng thầu 12.974.256.000 đồng của Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định (SAWACO sở hữu 51,21%).
Ngày 11/8/2023, Công ty TNHH P.T.P được đơn vị này phê duyệt trúng gói thầu cung cấp 20.000 đồng hồ nước DN15mm loại thể tích (đợt 2) với giá trúng thầu 14.415.840.000 đồng của Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức (SAWACO sở hữu 51%).
Lịch sử đấu thầu trong vòng 4 năm trở lại đây, Công ty TNHH P.T.P đã từng tham gia 53 gói thầu, trong đó trúng 44 gói. Riêng tại SAWACO và các công ty con, doanh nghiệp này đã trúng tổng cộng 31 gói thầu cung cấp đồng hồ nước với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm thấp cho ngân sách
Dù SAWACO đã tổ chức hàng trăm gói thầu nhằm phục vụ cho việc cung cấp nước sạch, thi công xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không ít những gói thầu được thực hiện có tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước rất thấp.
Cụ thể, Tổng Giám đốc SAWACO ông Trần Quang Minh ngày 18/9/2023 ký Quyết định số 1896, phê duyệt kết quả gói thầu “Cung cấp và lắp đặt 04 bộ cân bình clor” trị giá 1.251.271.000 đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Kỹ thuật Minh Trang với giá trúng thầu là 1.248.500.000 đồng, tiết kiệm được hơn 2,77 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm của gói thầu tương đương 0,22%.
Ngày 30/8/2023, Quyết định số 1736 của SAWACO phê duyệt gói thầu “Gia công chế tạo bộ sửa chữa khẩn cấp ống bê tông D1500 và ống thép dự phòng ứng phó sự cố” với giá 1.694.312.400 đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH MTV sản xuất Phạm Sơn với giá trúng thầu là hơn 1.691.195.000 đồng, gói thầu tiết kiệm hơn 3,11 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm tương đương 0,18%.
Trước đó, tại Quyết định 1540 ngày 4/8/2023 SAWACO phê duyệt lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua ống gang, phụ tùng gang các loại và phụ tùng sửa chữa ống gang DN1200 mm” với giá trị 2.488.981.000 đồng và Công ty TNHH MTV sản xuất Phạm Sơn trúng thầu với giá là 2.439.580.000, với gói thầu này tiết kiệm được hơn 49,4 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm tương đương 1,98%.
Những gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm rất thấp mang tính tượng trưng, dưới 2% thậm chí dưới 0,5% được SAWACO phê duyệt liên tục.
Bên cạnh đó, gói thầu của SAWACO còn có những tiêu chí “lạ” không đúng quy định xoay quanh gói thầu cung cấp vật tư và thi công xây dựng thuộc Dự án Lắp đặt tuyến ống cấp 1 đường Nguyễn Văn Linh, Quận 7, 8, huyện Bình Chánh (từ hương lộ 34 đến Quốc lộ 1A).
Trong thời gian vừa qua, dư luận đã dấy lên nhiều nghi vấn xung quanh việc SAWACO lập và xây dựng dự toán không đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, tiết kiệm. Đồng thời, áp dụng các tiêu chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở dự án đầu tư công này.
Căn cứ hồ sơ mời thầu, tại mục 2.1 quy định về tiêu chuẩn đánh giá năng lực tài chính và kinh nghiệm, doanh thu bình quân hàng năm (không gồm thuế VAT) của 3 năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu của nhà thầu có giá trị tối thiểu là 1.040.000.000.000 đồng.
Song, giá trị gói thầu theo dự toán được phê duyệt là 762.110.661.000 đồng. Đây được cho là điều kiện hạn chế rất lớn đối với các nhà thầu; không phù hợp với Điểm c, Khoản 1 Phụ lục 09 ban hành kèm theo Thông tư 08, quy định cụ thể những nội dung không được phép đưa vào hồ sơ mời thầu như “Quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu”.
Phụ lục 09 của Thông tư 08 nêu: “Không đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có tiền mặt hoặc phải có khoản tiết kiệm ở các tổ chức tài chính hoặc phải có số dư tài khoản hoặc các yêu cầu tương tự về nguồn lực tài chính”.
Trong khi đó, bóc tách từ HSMT, tại mục 2.1 yêu cầu tiêu chuẩn đánh giá về năng lực tài chính và kinh nghiệm, tại điểm 3.3 trong bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực tài chính và kinh nghiệm lại yêu cầu: “Có xác nhận số dư tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước thời điểm đóng thầu 5 ngày có số tiền tối thiểu là 70.000.000.000 đồng, kèm theo cam kết của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác nhận sẽ giữ lại số tiền trên trong tài khoản chỉ phục vụ thi công gói thầu này trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Đối với trường hợp liên danh, việc xác nhận số dư tài khoản căn cứ số dư của tổng các thành viên trong liên danh”.
Thực tế trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án vẫn tồn tại những chiêu trò “cài cắm” tiêu chí nhằm hạn chế nhà thầu tham gia đấu thầu. Những chiêu trò, tiêu chí… trên trời được dựng lên có vai trò như “chốt chặn” các nhà thầu “lạ”.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu