Nhà ở xã hội nên linh hoạt, đa dạng các hình thức mua, thuê mua, thuê

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.

Vấn đề nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, chính sách nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Nhà ở xã hội nên linh hoạt, đa dạng các hình thức mua, thuê mua, thuê
Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để đầu tư nhà ở xã hội. Ảnh: Quốc hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập từ việc tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đến nay mới giải ngân được 640 tỷ đồng cho 8 chủ đầu tư và 6 tỷ đồng cho người mua nhà tại 3 dự án. Như thế, việc giải ngân vốn vay gói tín dụng 120.000 tỷ là rất khó khăn.

Đại biểu cho rằng, nguyên nhân của những vấn đề nêu trên là do thủ tục pháp lý phức tạp, tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn vay còn khó khăn, vốn đầu tư lớn, lợi nhuận đầu tư từ xây dựng nhà ở xã hội bị khống chế không cao.

Thời gian triển khai kéo dài, rủi ro trong đầu tư cũng nhiều nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nhà ở xã hội. Một phần cũng do nhu cầu, điều kiện, khả năng mua nhà của người lao động có thu nhập thấp ở mỗi nơi khác nhau.

Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai được thuận lợi hơn, đẩy mạnh việc nhà đầu tư, người mua nhà ở xã hội đủ điều kiện, có nhu cầu thì sớm được tiếp cận với tín dụng 120.000 tỷ đồng.

“Đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để đầu tư nhà ở xã hội ở những địa phương ngoài các thành phố lớn, những nơi khó thu hút các nhà đầu tư. Sản phẩm nhà ở xã hội nên linh hoạt, đa dạng các hình thức mua, thuê mua, thuê để phù hợp với nhu cầu, điều kiện, khả năng của người lao động có thu nhập thấp”, đại biểu Mai Văn Hải nói.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn tỉnh Hậu Giang) cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhà ở xã hội, có chính sách đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, thủ tục xét duyệt quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.

Theo đại biểu, cần thiết phải lập được các nguồn vốn bền vững đi kèm với phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu nhà ở xã hội, đặc biệt là đối với lực lượng công nhân, lao động nhập cư làm việc trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn. “Thực tế giá nhà ở xã hội quá cao so với khả năng thu nhập của người dân nói chung, công nhân lao động nói riêng có nhu cầu về nhà ở”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho biết.

Nhà ở xã hội nên linh hoạt, đa dạng các hình thức mua, thuê mua, thuê
Ảnh minh họa. Ảnh: H.P

Liên quan đến nhà ở xã hội, theo báo cáo của Chính phủ, thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng chưa đạt yêu cầu (hiện, các ngân hàng thương mại đã cam kết tín dụng cho 15 dự án nhà ở xã hội với số tiền khoảng 7 nghìn tỷ đồng; mới giải ngân cho 12 dự án với tổng số tiền 956 tỷ đồng).

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cho biết, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội.

Tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối.

Do đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích