Nhà ở công nhân…

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn luôn đóng vai trò quan trọng. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, giai cấp công nhân lại càng có sứ mệnh quan trọng hơn.

Là giai cấp trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, có tỷ lệ đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng trên bình diện thụ hưởng thành quả lao động thì vẫn chưa tương xứng. Trong đó nổi lên là vấn đề nhà ở, thiết chế văn hóa và thu nhập…

Nhà ở công nhân…
Khu nhà ở công nhân, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội là nơi “an cư” của nhiều công nhân lao động. (Ảnh: Mai Quý)

Trong xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, giai cấp công nhân, người lao động ở nước ta nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu. Để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, 13 năm trước (ngày 28/1/2008), tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 20 “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Sau khi Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương ra đời, các cấp bộ, ngành, tỉnh, thành đã tích cực đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Trên góc độ xây dựng các thiết chế văn hóa và nhà ở, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong triển khai nội dung này.

Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 3 khu công nghiệp tiến hành xây dựng nhà ở công nhân và đã đưa vào sử dụng. Khu nhà ở công nhân Kim Chung (Đông Anh) được xây dựng từ nguồn ngân sách của Thành phố; các khu Công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai, Phú Nghĩa (Chương Mỹ) do doanh nghiệp và ban quản lý đầu tư xây dựng.

Việc triển khai nhà ở công nhân gắn với các thiết chế văn hóa như nhà trẻ cho các cháu là con công nhân đã góp phần quan trọng tạo nên chốn “an cư” để công nhân yên tâm “lạc nghiệp”. Có thể khẳng định, hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương liên quan đến vấn đề triển khai xây dựng nhà ở công nhân đối với công nhân lao động là rất lớn.

Tuy nhiên, do một số vướng mắc liên quan đến cơ chế (nguồn tài chính, quỹ đất sạch…) mà đến thời điểm này, việc xây dựng nhà ở công nhân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước mới có 2.580.000m2 nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đủ bố trí cho khoảng 330 nghìn người lao động. Con số này rất thấp so với nhu cầu của hàng chục triệu công nhân.

Do đó, thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách để có thể thu hút các nhà đầu tư đẩy mạnh xây dựng, đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho công nhân.

Còn tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước (kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV), đại biểu Nguyễn Phi Thường (Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) cũng đề nghị Chính phủ nên đưa danh mục xây dựng nhà ở công nhân và các thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp – chế xuất vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

…Những ngày này, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều công nhân lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Song với việc các cấp, ngành nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, cũng như các chuyến “xe buýt siêu thị 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng” của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và các cấp Công đoàn Thủ đô đã thực sự mang lại cảm giác ấm lòng với người lao động.

Đặc biệt, kết luận tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương diễn ra ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Xây dựng nhanh chóng quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét không chỉ là tin vui mà còn là minh chứng sống động về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp công nhân, người lao động.

Có “an cư” mới “lạc nghiệp”, công nhân lao động Thủ đô tin tưởng, trong thời gian tới họ sẽ có cơ hội tiếp cận với nhà ở để ổn định cuộc sống, yên tâm lao động.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích