Nhà nước cần có đơn giá định mức hợp lý hơn đối với DN dịch vụ công ích

Nhà nước cần có đơn giá định mức hợp lý hơn đối với DN dịch vụ công ích

Khác với nhiều loại hình gói thầu khác, trúng thầu xong thì nhà thầu được tạm ứng hợp đồng khoảng 30%, đối với gói thầu cung cấp dịch vụ công ích, nhà thầu trúng thầu và thực hiện khối lượng công việc đến đâu thì mới được làm hồ sơ để thanh toán đến đó.

Khó khăn lớn nhất đối với nhà thầu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công ích, công cộng vẫn là nguồn tài chính bấp bênh. Khác với nhiều loại hình gói thầu khác, trúng thầu xong thì nhà thầu được tạm ứng hợp đồng khoảng 30%, đối với gói thầu cung cấp dịch vụ công ích, nhà thầu trúng thầu và thực hiện khối lượng công việc đến đâu thì mới được làm hồ sơ để thanh toán đến đó.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trả lời Báo Đấu thầu, ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam cho biết, trên thực tế, việc thanh toán cho nhà thầu nhiều lúc không kịp thời, gây nợ đọng, khiến nhà thầu có lúc bị cạn kiệt tài chính, chậm trả lương cho người lao động.

Có 2 nguồn kinh phí được lấy để thanh toán cho nhà thầu dịch vụ công ích là ngân sách địa phương (tự cân đối khoảng 90% tổng giá trị thanh toán hợp đồng) và thu phí sử dụng dịch vụ từ người dân (khoảng 10% giá trị thanh toán hợp đồng còn lại).

Trong đó, nguồn tiền ngân sách mà địa phương cân đối chi trả cho lĩnh vực dịch vụ công ích phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu của địa phương, nếu địa phương không thu được như kế hoạch, tỷ lệ thu ngân sách giảm thì sẽ bị điều chỉnh giảm nguồn lực chi trả cho nhà thầu. Trong khi đó, quá trình thực hiện các gói thầu dịch vụ công ích thường phát sinh tăng khối lượng thực hiện nên giá trị thanh toán sẽ tăng.

Bên cạnh đó, thu phí sử dụng dịch vụ từ người dân trên thực tế gặp nhiều khó khăn, không phải hộ dân nào cũng sẵn sàng chi trả khoản tiền này, nhiều hộ dân eo hẹp về kinh tế nên rất khó thu, việc “hụt thu” xảy ra “như cơm bữa”. Hơn nữa, chính nhà thầu phải chi trả tiền lương cho đội ngũ khá đông người lao động thực hiện việc thu phí sử dụng dịch vụ này của người dân nên cũng chịu “nặng gánh”.

Trong khi đơn giá, định mức thu gom, xử lý rác thải theo dự toán thấp thì trên thực tế, tiền lương nhân công mà nhà thầu chi trả cho đông đảo đội ngũ người lao động làm loại hình dịch vụ này ngày càng cao, nhất là các khu vực đô thị và gần khu công nghiệp. Để giữ chân được người lao động, nhà thầu phải chi trả mức lương hợp lý, cạnh tranh với giá nhân công lao động ở các khu công nghiệp thì người lao động mới không bỏ việc.

Mặt khác, công việc lao động vệ sinh môi trường, cung cấp các dịch vụ thu gom rác… diễn ra trong môi trường khá khắc nghiệt và phức tạp, chịu rủi ro về sức khỏe và an toàn tính mạng nên nhà thầu buộc phải có những chế độ phúc lợi hợp lý cho người lao động.

Nhà thầu mong muốn Nhà nước có đơn giá định mức hợp lý hơn đối với doanh nghiệp làm dịch vụ công ích, có nguồn lực cố định để thanh toán thường xuyên và kịp thời cho nhà thầu thực hiện.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích