Nhã Nam: Những cuốn sách văn học nổi bật tháng tám
(Xây dựng) – Giữa mùa dịch với nhiều mối bận tâm, sách và văn học dường như là một thứ ”xa xỉ”, nhưng trong tháng tám, những cuốn sách được nhắc đến nhiều nhất, được yêu mến nhất của Nhã Nam hầu hết lại là sách văn học, cụ thể là 3 cuốn: Chân dung của Dorian Gray, Sách cười và lãng quên, Trắng.
Chân dung của Dorian Gray – Cuốn tiểu thuyết khiến người đọc đương thời nổi giận. |
Chân dung của Dorian Gray là cuốn tiểu thuyết của tác giả Oscar Wilde (Mỹ), tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất này của ông đã làm dấy lên rất nhiều tranh luận trong xã hội, tuy không mang lại mấy tiền bạc.
Ra đời vào thế kỷ 19, cuốn tiểu thuyết khiến nhiều người đọc đương thời nổi giận vì những quan điểm, câu chữ “vi phạm đạo đức xã hội”. Nhưng qua thời gian, tác phẩm đã chứng tỏ được giá trị thông qua sức sống lâu bền của nó, không chỉ trong những thư phòng kinh viện mà còn trong nền văn hóa đại chúng. Bản dịch này do dịch giả Nham Hoa thực hiện.
Sách cười và lãng quên – nắm bắt thế giới nội tâm của con người trong sự phi lý của đời sống. |
Sách cười và lãng quên là một tác phẩm nổi bật của nhà văn Milan Kundera – một trong những nhà văn hàng đầu của văn học đương đại phương Tây. Trong cuốn tiểu thuyết này, ông chú trọng đến việc làm nổi bật sự phi lý của đời sống cũng như những khoảng tăm tối trong thế giới nội tâm con người. Sách cười và lãng quên chuyên chú khám phá và nắm bắt những bí ẩn về bản chất con người trong sự biến đổi của tình huống. Cuốn sách gồm bảy câu chuyện được trình bày như bảy phần của một tổng thể xoay quanh các chủ đề về ký ức và tiếng cười, mở đầu cho cấu trúc tiểu thuyết bảy phần như một bản giao hưởng, đặc biệt có thể thấy ở tác phẩm nổi tiếng sau này của Kundera là Đời nhẹ khôn kham.
Trắng là cuốn tiểu thuyết đậm tính tự truyện của Han Kang đã giúp cô lọt vào vòng chung khảo Man Booker International 2018. Cuốn tiểu thuyết đưa ta đến với thế giới đan xen giữa sự sống và cái chết, trải nghiệm sự mong manh của kiếp người, đồng thời nỗ lực tìm cách xây dựng cuộc sống mới từ đống tro tàn của đổ nát.
Là một trong những tác phẩm riêng tư nhất của Han Kang, Trắng khởi dạng từ nỗi đau vô hình về sự tồn tại của chính bản thân tác giả. Là đứa trẻ lớn lên biết rằng mình không phải con gái đầu tiên của mẹ, rằng trước mình đã từng có một sinh linh yểu mệnh lìa đời chỉ sau khi chào đời được hai giờ đồng hồ, rằng có thể mình đã không được sống hay phải sống nếu đứa trẻ ấy không chết, rằng mẹ sẽ mãi mãi không quên và mình sẽ mãi mãi không thể sống như chưa từng biết sự thật ấy.
Han Kang kể câu chuyện của mình theo cách của riêng mình. Viết về những thứ màu trắng, cả trừu tượng lẫn hữu hình, là cách cô tự xoa dịu nỗi đau khó gán tên và nỗi ám ảnh về “một thứ bên trong chúng ta, một thứ không bị hủy hoại và vĩnh viễn không bị hoen ố” ấy.
Trắng – kiếm tìm sức mạnh nội tại từ đống tro tàn của đổ nát. |
Và một cuốn sách gồm 65 đoản văn về những thứ trắng đã ra đời, “hoàn toàn là một cuốn tiểu thuyết, nhưng đồng thời cũng là một cuốn sách cưỡng lại sự phân loại, tồn tại ở ranh giới giữa (tiểu thuyết) hư cấu, tản văn và thơ”.
Trắng chính là tuyên ngôn kiệm lời mà day dứt khó quên về một Han Kang không ngừng đa dạng trong lựa chọn và khai thác đề tài, liên tục biến hóa trong kết cấu và bút pháp – với mỗi tác phẩm, Han Kang lại tự phá kén giới hạn của bản thân đồng thời mài bén thêm ngòi bút luôn kiên định đối diện những thống khổ và mong manh của việc làm người.
Nguồn: Báo xây dựng