Nhà khoa học hiến kế hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững
Tầm quan trọng của năng lực thể chế trong phát triển bền vững
Trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành mục tiêu then chốt của mọi quốc gia, việc xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả thực hiện các mục tiêu này. Đặc biệt, đối với Việt Nam, việc gắn kết giữa chính sách pháp luật với thực tiễn tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội là nền tảng để đạt được sự phát triển bền vững.
Để làm rõ những hạn chế hiện tại và đề xuất các giải pháp cụ thể cho việc nâng cao năng lực thể chế đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu của phát triển bền vững, sáng nay, hàng loạt các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các giảng viên đến từ Cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Thủy Lợi, Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Hội Luật gia Việt Nam), Trung tâm Trọng tài Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) và Công ty Luật TNHH Sen Vàng đã quy tụ trong Hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững” tổ chức tại Trường Đại học Thủy Lợi để trao đổi, thảo luận về những vấn đề chính sách pháp luật liên quan đến các trụ cột của phát triển bền vững, qua đó góp phần xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế cho mục tiêu phát triển lâu dài của đất nước. Hội thảo cũng thu hút được hơn 40 tham luận của các nhà khoa học, đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Hồng Khanh nhấn mạnh, thể chế không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của từng tổ chức. Đặc biệt trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, việc vận hành hiện tại đang đặt ra nhiều thách thức liên quan đến hiệu quả và tính minh bạch trong công tác quản lý.
“Đối với những người làm quản lý Nhà nước như chúng tôi, thể chế là câu chuyện liên tục đặt ra và liên tục được hoàn thiện, vì đó là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển, sự thành bại của một quốc gia nói chung cũng như một hệ thống, tổ chức nói riêng”, ông Khanh chia sẻ.
Để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, GS.TS Lê Hồng Hạnh – Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, nhiều vấn đề trong xây dựng pháp luật cần được tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện. Lấy ví dụ cụ thể như về tài nguyên nước, GS.TS Lê Hồng Hạnh khẳng định, nước là tài nguyên vô giá và việc bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên nước phụ thuộc vào thể chế pháp luật. “Tài nguyên nước có được bảo vệ và khai thác, sử dụng hiệu quả để đáp ứng an sinh xã hội và sản xuất hay không phụ thuộc vào vấn đề thể chế. Trước hết là chính sách, pháp luật, chỉ hiệu quả và phát huy được vai trò của nó khi được xây dựng phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững”, GS.TS Lê Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Luật Tài nguyên nước 2023 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, với những quy định mới nhằm nâng cao nhận thức về tài nguyên nước trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là từ các nguồn nước quốc tế chảy qua lãnh thổ. GS.TS Lê Hồng Hạnh cũng nêu ra nhóm giải pháp ngăn chặn rủi ro để thi hành hiệu quả Luật Tài nguyên nước 2023, nhấn mạnh việc cần có sự đồng bộ giữa các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước.
Đề xuất giải pháp và hướng đi tương lai
Về quản lý, sử dụng và phát triển bền vững nguồn nước liên quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông, theo GS.TS Nguyễn Hồng Thao – Phó chủ tịch Ủy ban Luật quốc tế của Liên Hợp Quốc, chuyên gia Khoa Luật và Lý luận Chính trị, trường Đại học Thủy lợi, việc quản lý bền vững nguồn nước liên quốc gia, chẳng hạn như sông Mê Kông, không chỉ là nhiệm vụ của mỗi quốc gia mà còn là trách nhiệm chung của các nước trong khu vực. Ông chỉ ra rằng việc thiếu một đầu mối quản lý hiệu quả cho các cơ chế hợp tác hiện tại đang gây khó khăn trong việc cân bằng lợi ích giữa các quốc gia, đồng thời khuyến nghị cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ven sông để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nước.
“Quản lý bền vững nguồn nước liên quốc gia như sông Mê Kông sẽ giúp các nước ven sông quản trị tốt hơn việc sản xuất lương thực và năng lượng, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, nó cũng sẽ giúp bảo vệ các hệ thống sinh thái nước chung của lưu vực sông Mê Kông, tính đa dạng sinh học và khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu”, GS.TS Nguyễn Hồng Thao cho biết.
Hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học hiến kế hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Ở khía cạnh khác về quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam, TS Bùi Đức Hiển – Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết, quyền này đang bị xâm phạm do ô nhiễm môi trường từ các hoạt động kinh tế gây ra. Ông đã đề xuất một số giải pháp nhằm bảo vệ quyền này. Cụ thể: Cải cách pháp lý: Cần hoàn thiện cả thể chế pháp lý và thiết chế pháp lý ở các cấp độ khác nhau để bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành.
Giáo dục cộng đồng: Tăng cường nhận thức của cộng đồng về quyền được sống trong môi trường trong lành và tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người.
Kiểm tra và xử lý vi phạm: Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền con người được sống trong môi trường trong lành.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hiền Phương – Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh (Đại học Luật Hà Nội), hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, việc hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội là một thách thức nhưng cũng là yêu cầu bắt buộc. “Đảm bảo an sinh xã hội là cách thức, cũng là thước đo đánh giá khả năng phát triển bền vững của quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Hiền Phương cho biết.
Cũng theo GS.TS Lê Hồng Hạnh: “Những chia sẻ và khuyến nghị của các chuyên gia trong việc nâng cao năng lực thể chế đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ mang lại giá trị khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, kinh tế và xã hội. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện hệ thống thể chế, hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam”.
Duy Trinh