Nhà gỗ Nhật Bản – Thỏi nam châm mới của giới bất động sản Việt Nam
Nhật Bản là một nước công nghiệp phát triển lừng lẫy từ lâu. Song, đây lại là quốc gia mà người dân luôn sống theo cách giản dị, đề cao sự yên bình và sức khỏe. Điều này được thể hiện qua nhiều yếu tố, trong đó có nhà ở. Theo thống kê, hiện nay 56% căn hộ mới tại Nhật là nhà gỗ. Người Nhật ngày càng có khuynh hướng thích sống trong những ngôi nhà gỗ và chung cư có nội thất chủ yếu là gỗ.
Người Nhật thường có xu hướng xây dựng không gian sống bằng chất liệu gỗ để gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe. Họ đã có truyền thống xây dựng nhà gỗ và tạo nên những ngôi nhà mang nét đặc trưng của xứ sở hoa anh đào.
Ngày nay, bên cạnh những kiến trúc truyền thống, sự giao thoa với văn hóa thế giới đã mang đến một làn gió mới cho công trình nhà gỗ Nhật Bản. Điều này khiến không ít người ở nhiều quốc gia khác nhau có ý định xây dựng nhà ở của mình theo phong cách của đất nước mặt trời mọc.
Người Nhật thường nghiêm cẩn, tìm tòi và sáng tạo nên những công trình nhà ở của họ luôn có phong cách độc đáo, gây ấn tượng. Nhật Bản thường xuyên phải chịu thiên tai như động đất, sóng thần nên khi xây dựng nhà ở, người Nhật rất chú trọng đến độ chắc chắn và kiên cố của công trình. Chính vì vậy, nhà gỗ Nhật Bản thường có những đặc điểm như: Phần móng, nền được xây dựng kiên cố, chắc chắn; các hạng mục khác thì đảm bảo có thể dễ dàng thay thế, sửa chữa khi hư hỏng.
Ngoài ra, những tiêu chuẩn về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm cho không gian bên trong cũng được bảo đảm. Người Nhật Bản khi làm nhà gỗ đặc biệt coi trọng sự yên bình, tĩnh lặng, riêng tư… Chính vì vậy nên các thiết kế cũng rất đơn giản, nhẹ nhàng, thanh thoát, hòa hợp với thiên nhiên; gợi lên vẻ lịch lãm, tinh tế.
Trong thế giới hội nhập hiện nay, các công trình nhà gỗ Nhật Bản còn được thiết kế theo nhiều phong cách hiện đại, mang hơi hướng của sự giao thoa với văn hóa phương Tây và phương Đông nên được rất nhiều người yêu thích.
Tại Hội thảo xúc tiến sử dụng gỗ Nhật Bản tại Việt Nam do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức vừa qua, thông tin cho thấy Nhật Bản là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Và người Nhật đang xúc tiến tìm kiếm cơ hội xâm nhập nhiều hơn ở thị trường này nhằm mở ra cơ hội mới trong nguồn cung nguyên liệu gỗ cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Endo Kasuo – Tiến sĩ Nông học, nguyên Giáo sư Đại học Kagoshima cho biết, gỗ Nhật phần lớn được trồng sau Thế chiến thứ 2, bản chất là gỗ rừng trồng nên bền vững và hợp pháp. Diện tích rừng của Nhật Bản chiếm khoảng 66% diện tích đất nước (diện tích của Nhật Bản là 377.975km2), 41% diện tích rừng là rừng nhân tạo. Trữ lượng gỗ (cây đứng) của Nhật Bản vào khoảng 5 tỷ m3. Gỗ rừng Nhật Bản gồm hai loại chính: gỗ Sugi và gỗ Hinoki. Đây là hai loại cây lá nhọn, thuộc họ thông. Vì thế hai loại gỗ này được xem là gỗ Pơmu Nhật Bản.
Các chuyên gia xứ Phù Tang cho rằng, với thói quen sử dụng gỗ trụ to trong xây dựng của người Việt, gỗ to của Nhật hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của người Việt. Tuy nhiên, trong những năm qua, số lượng gỗ được xuất sang Việt Nam còn khá khiêm tốn vì người Việt Nam chưa có thói quen sử dụng gỗ Nhật Bản. Hơn nữa, giá gỗ Nhật Bản còn cao so với gỗ Mỹ và châu Phi. Tuy nhiên, trong tương lai, gỗ Hinoki và gỗ Nhật nói chung có thể là nguồn cung cấp lý tưởng cho Việt Nam nếu tìm ra hướng đi hợp lý. Có lẽ hy vọng lớn nhất là người Việt Nam sẽ sử dụng gỗ Nhật Bản để xây dựng nhà ở. Trên thực tế, nhà gỗ Nhật Bản đang tìm đường vào Việt Nam.
Ông Võ Quang Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) cho biết: “Cách đây mấy năm, đại diện Hiệp hội Chế biến lâm sản tỉnh Ehime (Nhật Bản) tìm đến công ty chúng tôi để chào bán gỗ Hinoki. Tôi rất ngạc nhiên vì trước đây thường chỉ nghe người Nhật mua gỗ về dùng chứ không bán bao giờ. Sau thời gian dài thuyết phục, TAVICO đồng ý nhập gỗ Hinoki về bán. Tuy bán chậm và không được nhiều nhưng sau chuyến đi sang Ehime tìm hiểu các nhà máy gỗ và công nghệ sản xuất gỗ tại đây, chúng tôi đã xúc tiến đưa gỗ và công nghệ nhà gỗ Nhật về Việt Nam…”.
Gỗ Nhật Bản vào Việt Nam có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, nhưng điều mà nhiều người quan tâm nhất, thích nhất là chúng được dùng để xây dựng những ngôi nhà gỗ. Những ngôi nhà này sẽ được thiết kế và xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như văn hóa Việt Nam. Đại diện của TAVICO tại miền Bắc cũng cho biết, tại Phú Quốc đã có sự hiện diện của khoảng 100 ngôi nhà gỗ Nhật Bản và bắt đầu thu hút sự quan tâm của một số “đại gia” ở miền Bắc.
Công ty TAVICO đã phối hợp cùng tỉnh Ehime của Nhật Bản tổ chức triển lãm giới thiệu công nghệ xây dựng nhà gỗ Nhật Bản ngay tại trung tâm phân phối nguyên liệu gỗ và nội thất TAVICO. Hơn nữa, TAVICO đã đưa một số công nhân sang Nhật để trực tiếp khai thác gỗ nhằm giảm giá thành. Lãnh đạo TAVICO cho rằng, họ đã nắm được công nghệ của Nhật trong việc chế biến và xây dựng nhà gỗ. Thêm vào đó, người Việt Nam khéo tay, kỹ thuật giỏi, chịu khó, giàu tính sáng tạo nên có thể thành công trong việc phát triển nhà gỗ Nhật Bản ở Việt Nam. Điều quan trọng hiện nay là quảng bá để nhiều người Việt Nam quan tâm đến nhà gỗ Nhật Bản.
Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, sẽ đến lúc nhà gỗ Nhật nói riêng và gỗ Nhật nói chung có chỗ đứng xứng đáng ở Việt Nam. Kinh nghiệm cho hay, cách đây hơn chục năm, gỗ Mỹ cũng từng được chào hàng tại Việt Nam. Lúc đầu người ta cứ tưởng là Mỹ chỉ nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam chứ Việt Nam cần gì đến gỗ Mỹ? Thực tế hiện nay, Việt Nam nhập khẩu trên 300 triệu USD gỗ Mỹ mỗi năm. Với Nhật Bản, điều kiện còn thuận lợi hơn vì gần về khoảng cách, có một số đặc điểm văn hóa khá giống nhau. Và điều quan trọng là hai loại gỗ chủ yếu của Nhật Bản là Sugi và Hinoki được người Việt thích vì nó gần giống gỗ Pơmu – loại gỗ người Việt ưa chuộng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, gỗ Hinoki được xem là sản vật quý của Nhật Bản, bề ngoài có màu vàng nhạt; màu thay đổi dần, vào trong là màu nâu, đến đỏ đậm; thớ gỗ thẳng, có mùi thơm đặc trưng và có tính kháng khuẩn. Sugi là loại cây được trồng trên khắp nước Nhật. Gỗ của loài cây này bề ngoài có màu trắng, vào trong ruột chuyển từ hồng nhạt đến đỏ đậm, rồi đen. Cả hai loại gỗ đều có những tính năng nổi trội như: thân thẳng, vân và màu sắc đẹp, có mùi thơm, có tính kháng khuẩn. Với nhiều đặc tính tốt như: hút ẩm, mùi thơm dễ chịu, có sức bền, có lợi cho sức khỏe, tính dẫn nhiệt nhanh, có tính đàn hồi, mềm dẻo và màu sắc tươi tắn, gỗ Hinoki và Sugi thực sự thích hợp làm nguyên liệu xây dựng nhà ở.
Có thể nói kiến trúc nhà gỗ của Nhật Bản là kỹ thuật truyền thống mà người Nhật luôn tự hào. Cách thức xây dựng một ngôi nhà gỗ Nhật Bản dựa vào phương pháp được gọi là “phương pháp ghép trục” – vừa truyền thống vừa hiện đại.
Hiện tại, sở thích nhà gỗ của người Việt đang hồi sinh. Các công trình nhà ở, nhà thờ, đền, chùa hay resort, spa… đang cần nhiều đến gỗ. Hơn thế nữa, công nghệ biến tính (làm tăng độ cứng, sức bền, loại trừ mối, mọt) trong chế biến gỗ đã làm cho gỗ có sức hấp dẫn lớn với tư cách là vật liệu xây dựng.
Nhiều người cho rằng, hiện nay ở Việt Nam gần như đã hội đủ điều kiện để gỗ Nhật Bản trở thành những ngôi nhà theo phong cách, sở thích của người Việt. Điều này các kiến trúc sư, các nghệ nhân, các kỹ sư trong nước sẽ tìm cách sáng tạo ra những ngôi nhà mang bản sắc của người Việt dựa trên gỗ và phong cách nhà gỗ Nhật Bản./.
04/09/2021 06:15