Nhà đầu tư đổ xô “săn” bất động sản vùng ven
Sau những tác động tiêu cực do dịch Covid-19, thị trường căn hộ tại Hà Nội đang dần được hâm nóng lại nhờ những tiềm năng đến từ các dự án tại khu vực nằm xa trung tâm thành phố.
Theo báo cáo từ Savills mới đây, trong quý IV/2021, thị trường Hà Nội dự kiến đón nhận khoảng 7.900 căn hộ đến từ 11 dự án mới và 2 dự án chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, quỹ đất mới ở vùng nội đô đang trở nên hạn chế thì các quận/huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Gia Lâm và Hoàng Mai có triển vọng chiếm 81% thị phần.
Triển vọng phát triển của khu vực phía Tây đã được hình thành từ 5 năm trở lại đây, đặc biệt là khi các quận Từ Liêm và Cầu Giấy đang cung cấp 44% thị phần sơ cấp của thành phố. Trong tương lai, khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường.
Theo Savills, giá cả chính là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư và người mua tại các đô thị ngoài trung tâm.
Nhu cầu mua bất động sản trong tầm giá từ 1.500 – 2.000 USD/m2 đang có xu hướng tăng. Trong khi tại các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, mức giá chào bán đều lên tới trên 3.000 USD/m2 với căn hộ hạng A. Tại các quận Đống Đa và Tây Hồ, mức giá cũng rơi vào mức từ 2.000 – 3.000 USD/m2.
Một nửa số lượng giao dịch tính đến hết quý III/2021 nằm ở tầm giá từ 1.500 – 2.000 USD/m2 và phần lớn đến từ dự án tại Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên và Gia Lâm.
Lượng giao dịch tại các quận Từ Liêm và Cầu Giấy vẫn rất dồi dào dù giá sơ cấp tại đây ghi nhận mức tăng trưởng mỗi năm lần lượt là 10% và 17%. Điều này cho thấy sức hút về lựa chọn và giá cả của căn hộ ở khu vực xa trung tâm.
Bên cạnh yếu tố về giá, quy hoạch mở rộng đô thị của Hà Nội cũng tạo thêm màu sắc mới cho bức tranh nguồn cung bất động sản căn hộ.
Nếu như năm 2017, Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 6% thị phần thì đến năm 2021, 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh cung cấp 30% thị trường.
Dự kiến quy hoạch 5 huyện ngoại thành Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, và Đan Phượng thành các quận nội thành vào năm 2025 đã tạo tiền đề để các huyện này phát triển các khu dân cư trọng điểm. Theo dự báo từ Savills, từ năm 2023 trở đi, các quận này sẽ chiếm 36% nguồn cung.
Xu hướng chuyển dịch trong thị trường cũng được thúc đẩy bởi sự phát triển về cơ sở hạ tầng. Tuyến đường Vành đai 3, số 3.5 và đường sắt đô thị số 3 là động lực thúc đẩy sự bùng nổ của khu vực phía tây. Kế hoạch vận hành các tuyến metro và xây dựng đường Vành đai 2,5 ở phía Nam và số 4 ở phía Đông Bắc Hà Nội sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông. Sự thuận tiện trong việc di chuyển giữa khu vực vùng ven và nội đô thành phố sẽ là yếu tố thu hút nhà đầu tư và người mua để ở vào những dự án ở xa trung tâm.
Đánh giá về tiềm năng đầu tư của bất động sản vùng ven, bà Lê Thị Phương Lan – Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư của Savills Hà Nội cho biết, đầu tư là việc sử dụng một số tiền để mua một loại tài sản với kỳ vọng là nó sẽ tăng giá trong tương lai. Yếu tố để quyết định việc chi tiêu hôm nay là nhìn vào những yếu tố trong tương lai chứ không phải là những thuận lợi bây giờ. Bất động sản trong nội thành không phản ánh tất cả những lợi thế tiềm năng vào giá, vậy nên, dòng tiền có xu hướng tìm đến những nơi mà nhà đầu tư tin rằng sẽ có những sự thay đổi căn bản trong tương lai.
“Khi bất động sản trong trung tâm đã phản ánh toàn bộ tiềm năng tương lai vào trong giá của hiện tại thì bất động sản vùng ven có thể là một sự chọn tốt đứng trên khía cạnh này”, bà Lê Thị Phương Lan nói.
Bà Lan khuyên nhà đầu tư nên chú ý đến tầm nhìn dài hạn trong kế hoạch của mình. Mỗi cá nhân có những mục đích khác nhau tuy nhiên then chốt vẫn là những tiêu chí cơ bản bao gồm tiềm năng phát triển, quy hoạch và hệ thống cơ sở hạ tầng.
Theo chuyên gia Savills, vùng phía Tây Hà Nội, Đông Anh hay Long Biên là những khu vực đang thu hút sự quan tâm từ phía nhà đầu tư. Mặc dù vậy, mỗi dự án sẽ có một đặc điểm khác nhau. Bên cạnh vấn đề về giá cả, nhà đầu tư sẽ cần xem xét đến chất lượng của dự án, bao gồm cơ sở vật chất, các chứng nhận và tiêu chuẩn xây dựng, phù hợp cho cả mục đích ở và cho thuê./.