Nhà đầu tư điện gió gặp khó vì quy định mới liên quan đến COD của EVN

Nhà đầu tư điện gió gặp khó vì quy định mới liên quan đến COD của EVN

MTĐT –  Thứ bảy, 11/09/2021 10:56 (GMT+7)

Yêu cầu bổ sung thêm thủ tục được đưa ra khiến nhiều nhà đầu tư điện gió “đứng ngồi không yên” khi quy trình COD sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tăng thêm thủ tục trong bối cảnh nhiều địa phương đang giãn cách xã hội.

Ngày 21-7 vừa qua, Công ty Mua bán điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN) có văn bản gửi các chủ đầu tư điện gió yêu cầu bổ sung văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng trong hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại nhà máy điện gió.

Theo đó, Công ty Mua bán điện đề nghị bổ sung hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại “Văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng” và đây là một trong các điều kiện để công nhận Ngày vận hành thương mại một phần/toàn bộ nhà máy điện gió.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Trước khi có văn bản này, EVN cũng đã có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị Bộ Công thương bổ sung “Văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng” vào điều kiện để công nhận COD cho các dự án điện gió, điện mặt trời được quy định trong các Hợp đồng mua bán điện mẫu hiện nay.

Điều này, theo EVN, là để đảm bảo chặt chẽ trong công tác đầu tư xây dựng và đưa công trình vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật cho các dự án điện gió, điện mặt trời trong thời gian tới.

Đến ngày 1-9, tiếp tục có văn bản số 5375 gửi các chủ đầu tư nhà máy điện gió thông báo về quy định trên để các chủ đầu tư “biết, phối hợp thực hiện và đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành”.

Việc yêu cầu này được đưa ra khiến nhiều nhà đầu tư điện gió “đứng ngồi không yên” khi quy trình COD sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tăng thêm thủ tục trong bối cảnh nhiều địa phương đang giãn cách xã hội.

Cụ thể, một nhà đầu tư điện gió cho hay trước đây thời điểm công nhận COD được tính từ lúc hoàn thành thử nghiệm AGC, PQ và chạy tin cậy (72h). Còn thời điểm hiện nay, nếu chưa có văn bản thông báo kiểm tra của Bộ Công thương, ngày COD vẫn bỏ ngỏ.

Theo nhà đầu tư này, Công ty Mua bán điện đang muốn lấy ngày có văn bản của Bộ Công thương để xác định ngày COD của dự án. “Nếu làm như vậy cho dù có được chạy máy thì toàn bộ sản lượng điện sau khi đã trừ ra các phần thử nghiệm trước đó đều sẽ không được tính tiền. Đây là một điều mà nhà đầu tư này đánh giá là “bất hợp lý”- vị này cho biết.

Các nhà đầu tư cho hay nếu áp dụng theo quy trình COD mới ban hành, có thể thất thoát lên đến hàng trăm triệu đồng cho 1 trụ điện gió nếu turbine bị lỗi do các thử nghiệm AGC, PQ và điều kiện gió không phù hợp.

Theo nhà đầu tư này, trước đây bước thử nghiệm trước COD bao gồm AGC, hút phát PQ, chạy tin cậy (72h) có thể làm cùng lúc. Nghĩa là trong thời gian chạy thử 72h, nếu làm xong được thử nghiệm AGC, PQ thì sản lượng trừ ra khi thử nghiệm sẽ thấp. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại khi dự án của chúng tôi trình các số liệu thì bên mua bán điện yêu cầu công việc chạy 72h chỉ được tính sau khi hoàn thành AGC và hút phát PQ.

“Nếu làm vậy thì dự án mất nhiều sản lượng hơn. Bởi vì để làm được thử nghiệm AGC, hút phát PQ phụ thuộc vào điều kiện gió và các yếu tố kỹ thuật của turbine đã đáp ứng hay chưa. Nếu thử lần 1 không đạt phải điều chỉnh lại và thử lại…” – nhà đầu tư cho hay.

Như vậy, những thay đổi này khiến cho việc thử nghiệm AGC, PQ, chạy 72h với công suất dương (tức là chỉ tính khi turbine có công suất) sẽ thêm nhiều thời gian, có trụ đôi khi mất cả tuần mới đủ nếu thực hiện trong mùa gió thấp và sản lượng mất nhiều hơn.

Việc yêu cầu nghiệm thu trước thời điểm COD được xem là 1 quy định mới từ EVN, việc này gây rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư điện gió trong thời kỳ COVID-19 và việc thay đổi đột ngột của EVN thiếu các hướng dẫn liên quan khiến các nhà đầu tư lúng túng.

Các nhà đầu tư đề xuất EVN nên xem xét, giữ nguyên quy trình cũ công nhận vận hành thương mại các chủ đầu tư sẽ thực hiện việc nghiệm thu theo như quy trình ban đầu trong bối cảnh giãn cách xã hội. Theo các nhà đầu tư, việc thay đổi quy đình COD này lẽ cần phải có văn bản sớm để khuyến cáo các nhà đầu tư, thay vì đột ngột ra văn bản khiến nhà đầu tư trở tay không kịp./.

PV (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích