Nhà cổ xây hơn 100 năm trước trên đầm lầy không có ruồi muỗi và sụt lún
Nằm nép mình trong cánh rừng sâu cách huyện Vĩnh An, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc chừng 100km, một khu nhà cổ đã tồn tại ở đó suốt hàng trăm năm, vẫn còn kiên cố đến ngày nay.
Ở vùng núi nằm cách huyện Vĩnh An, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, chừng 100km là một khu nhà cổ nằm trên diện tích khoảng 10.000m2.
Theo các chuyên gia, đây từng là nơi sinh sống của gia tộc họ Trì, được xây dựng trong giai đoạn khoảng năm 1885-1899.
Xung quanh nhà được bao bọc bởi lớp đá vững chắc với tác dụng chống nguy cơ bị cướp bóc, còn phần đáy nền dày khoảng 4m. Trải qua cả trăm năm với nhiều biến cố lịch sử, nhưng công trình vẫn kiên cố cho tới ngày nay.
Toàn cảnh khu nhà cổ nhìn từ trên cao (Ảnh: News). |
Với tên gọi “An Trinh Bảo”, khu nhà cổ gồm 2 tầng, tổng cộng lên tới hơn 360 phòng. Số lượng phòng ốc nhiều tới mức người ta vẫn nói rằng, nếu mỗi ngày đổi một phòng thì phải gần cả năm mới ở hết.
Bên trong An Trinh Bảo được bố trí 12 căn bếp và 5 giếng nước, có thể phục vụ cùng lúc hơn 1.000 người sinh sống. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là kiến trúc dân sinh hiếm có và quy mô bề thế nhất ở tỉnh Phúc Kiến.
Nhà gồm hơn 360 phòng (Ảnh: Weibo). |
Công trình cao hơn 10m, dùng gần 10.000 tấn đá, được xây dựng trên một đầm lầy nhưng chưa có dấu hiệu sụt lún. Rất nhiều chuyên gia đã tới đây nghiên cứu và phát hiện ra kết cấu đặc biệt của công trình.
Kinh nghiệm dân gian của người địa phương có câu “cây thông ngâm nước nghìn năm”. Điều này nghĩa là gỗ thông sau khi phơi và ngâm nước sẽ trở nên rắn chắc. Dựa vào nguyên lý này, người xưa đã dùng gỗ thông ngâm nước để gia cố phần móng, giúp công trình vững chắc, chống mối mọt.
Hai bức tranh cổ bên trong tòa nhà (Ảnh: Sohu). |
Dưới nền khu nhà, các chuyên gia phát hiện lượng gỗ thông lớn được sử dụng với tổng cộng 18 lớp. Đất và đá được đổ phía trên. Bởi vậy, dù xây trên bề mặt đầm lầy, khu nhà cổ vẫn tồn tại vững chắc suốt cả thế kỷ.
Từng là nơi sinh sống của gia tộc họ Trì, nhưng khoảng 100 năm qua, nơi này không còn người ở. Nhưng bên trong các căn phòng không thấy xuất hiện mạng nhện hay dấu vết tồn tại của ruồi muỗi.
Công trình vốn nằm ở vùng rừng núi khí hậu nóng ẩm nên việc “vắng bóng” những loại côn trùng này khiến các chuyên gia ngạc nhiên. Trong khi những ngôi nhà nằm cách đó không xa vẫn có ruồi muỗi hoặc mạng nhện giăng kín. Điều này nảy sinh ra nhiều lời đồn đoán.
Phần mái nhà vẫn bền chắc bất chấp thời gian (Ảnh: Sohu). |
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, trên thực tế chẳng có hiện tượng bí ẩn nào tồn tại. Do An Trinh Bảo rất lâu không có người ở nên cứ tới mùa hè và mùa thu lại thu hút rất nhiều dơi bay vào.
Chúng ăn hết những côn trùng có cánh như ruồi, muỗi. Trong khi đó, loại côn trùng này lại là nguồn thức ăn chính của nhện. Thiếu thức ăn, nhện không thể tồn tại và phát triển. Bởi vậy, khu nhà cổ suốt thời gian dài không có nhện hay ruồi muỗi.
Nhà cổ xây hơn 100 năm trước trên đầm lầy không có ruồi muỗi và sụt lún
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, các thiết kế bức tường của khu nhà làm từ loại đá đặc biệt khiến nhện không thể giăng tơ như nhiều nhà bình thường khác.
Nguồn: Báo xây dựng