Nhà chọc trời loại bỏ carbon tương đương 48.500 cây xanh

Nhà chọc trời loại bỏ carbon tương đương 48.500 cây xanh

Tú Anh –  Thứ sáu, 19/11/2021 16:56 (GMT+7)

Mẫu nhà chọc trời mang tên “Urban Sequoias” có khả năng loại bỏ lượng carbon tương đương 48.500 cây xanh từ khí quyển mới được các nhà khoa học tại Chicago giới thiệu.

Mẫu nhà mới nói trên của công ty kiến trúc Skidmore, Owings & Merrill ở Chicago được đặt tên theo loài cây cao nhất thế giới. Mỗi tòa nhà chọc trời sẽ ứng dụng nhiều kỹ thuật để thu thập carbon, bao gồm xây dựng bằng vật liệu hấp thụ carbon, trồng cây xanh và tảo để lấy nhiên liệu, năng lượng và thực phẩm cùng công nghệ hút khí trực tiếp với “hiệu ứng xếp chồng” từ thiết kế giúp hút khí vào trung tâm tòa nhà để lọc carbon.

tm-img-alt
Mẫu nhà Urban Sequoias. Ảnh: Skidmore, Owings & Merrill

Theo công ty thiết kế, mẫu nhà Urban Sequoias có tuổi thọ ít nhất 60 năm. Nó có thể hấp thụ lượng carbon xả vào khí quyển nhiều gấp 4 lần so với carbon sinh ra từ quá trình xây dựng. Carbon thu được có thể dùng để sản xuất vật liệu sinh học cho đường xá, vỉa hè, đường ống… để phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

Thiết kế nguyên mẫu của Urban Sequoias là một tòa nhà chọc trời thu thập 1.000 tấn carbon hàng năm, song những phương pháp hút carbon mà công trình sử dụng có thể ứng dụng cho các tòa nhà thuộc mọi kiểu dáng và kích thước khác nhau. Những vật liệu xây dựng như gạch sinh học, bê tông sinh học, bê tông tổng hợp từ cây gai dầu và gỗ giúp giảm 50% lượng carbon tạo bởi quá trình thi công so với sử dụng bê tông và thép thông thường.

Skidmore, Owings & Merrill cho biết lượng carbon thu được trên mỗi kilomet vuông sẽ lên tới 120 tấn nếu biến đổi cảnh quan đô thị thành những khu vườn, tái xây dựng thành phố dưới dạng công trình hấp thụ carbon và đường phố trang bị thêm công nghệ hút carbon. Con số này có thể tăng gấp gần 3 lần nếu ứng dụng ở các công viên và nhiều không gian xanh khác.

Thiết kế Urban Sequoia được Skidmore, Owings & Merrill giới thiệu tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc hôm 11/11. Tuy nhiên Urban Sequoia hiện vẫn là một dự án mang nhiều tham vọng và ít có khả năng trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Các chuyên gia ước tính xây dựng trên thế giới chiếm gần 40% lượng khí thải carbon toàn cầu. Họ kêu gọi ngành công nghiệp xây dựng giải quyết vấn đề. Kết quả là những tòa nhà bằng vật liệu gỗ đang trở nên ngày càng thịnh hành, cung cấp giải pháp bền vững thay thế bê tông.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích