Nhà cắt nửa đất, tạo “phễu xanh” hút gió và lọc không khí
Ngôi nhà nằm trong khu đô thị ngã 5 sân bay Cát Bi (Hải Phòng) – một trong những khu vực có giá bất động sản đắt đỏ bậc nhất đất cảng. Khác với những ngôi nhà khác khi mà chủ nhà hầu hết đều muốn tận dụng tối đa quỹ đất cho xây dựng, chủ ngôi nhà này dành phần lớn diện tích đất cho khu vườn cảnh quan.
Lấy ý tưởng từ “cây sự sống” (tree of life) – câu chuyện trong Kinh Thánh theo tôn giáo của gia chủ, các kiến trúc sư đã khéo léo tạo hình phần lõi của ngôi nhà như một cái cây lớn (mở rộng dần ở phía trên).
Nhằm tận dụng tối đa lợi thế mặt tiền hướng Đông Nam – hướng gió tốt, công trình được thiết kế cắt khe ở mặt đứng gia tăng bề mặt tiếp xúc với bên ngoài. Nhờ kiến trúc độc đáo này, tất cả các phòng chức năng trong nhà đều có ít nhất 2 mặt mở ra thiên nhiên xanh mát.
Vợ chồng chị Nguyễn Minh Thủy và anh Trịnh Hải Long, kiến trúc sư trưởng công trình, ví phần khe cắt của ngôi nhà là một “chiếc phễu xanh”, giúp hút gió và lọc không khí xuyên suốt 3 tầng lầu. “Chiếc phễu” này không chỉ giúp hút gió, tăng vận tốc gió và chia khí tươi vào các phòng mà còn mở rộng về phía trên để đưa nhiều ánh sáng xuống các tầng bên dưới, giúp cho cây cối có thể phát triển, từ đó tạo không gian xanh ngoạn mục và góc nhìn thoáng cho tất cả phòng.
“Hãy thử tưởng tượng xúc cảm khi đứng giữa chiếc phễu xanh này, trong trưa hè lặng gió, cảm nhận góc nhìn và luồng không khí tươi mát như người đi giữa sa mạc lạc vào ốc đảo”, chị Thủy chia sẻ.
Khu vườn phía dưới được mở rộng dần lên phía trên nhờ những mảng xanh ở ban công các phòng, hàng hiên, lô gia hoặc thông tầng xen giữa các phòng chức năng. Mái hiên rộng cùng hệ kính lớn hiện đại, giúp ánh sáng dễ dàng đi vào mọi ngóc ngách trong ngôi nhà, nhưng không hắt nắng gắt. 2 khu vực mặt nước ăn theo sân trong, vừa tạo cảnh quan, vừa làm mát không khí trước khi vào nhà.
Bên cạnh việc hướng người trong nhà tiếp xúc tối đa với thiên nhiên, các kiến trúc này còn giúp giảm nhu cầu sử dụng điện năng, góp phần bảo vệ môi trường. Mỗi phòng có 2 mặt tiếp xúc thiên nhiên, tạo khả năng thông gió đối lưu và chiếu sáng tốt, giúp giảm thời lượng sử dụng đèn chiếu sáng và điều hòa.
Mái nhà được gắn hệ thống pin mặt trời có khả năng đảm bảo gần như toàn bộ nhu cầu tiêu thụ điện trung bình trong năm. Kính hộp, đá chẻ, bê tông xốp, sơn không chứa VOC, trần thạch cao hấp thụ formaldehyde, 100% đèn led, hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong vận hành. Thiết bị vệ sinh công nghệ mới có chức năng tiết kiệm nước.
Nhằm ngăn nắng hướng Tây (từ phía sau nhà) chiếu trực tiếp vào nội thất, các kiến trúc sư đã tạo nên những ô văng chắn nắng dạng hình hộp tam giác độc đáo. Khu vực này không bố trí không gian ở hay sinh hoạt mà chủ yếu là các không gian đệm như cầu thang, nhà vệ sinh, phòng thay đồ, nhà để xe với tường xây 3 lớp để cách nhiệt.
Phần không gian trong nhà với các khoảng đặc, rỗng đan xen với thiên nhiên bên ngoài, khiến cho khu vực nội thất chỉ cần làm tối giản là đã tôn lên được vẻ đẹp của ngôi nhà.
“Làm kiến trúc giống như nấu một bữa tiệc, trong đó không gian, kiến trúc, sân vườn là từng món ăn. Nếu tất cả đều tranh nhau làm món chính thì bữa tiệc trở nên quá ngấy. Mọi thứ nên chừng mực và tinh tế để không gian, thiên nhiên, gió và ánh sáng mặt trời lên tiếng”, nữ kiến trúc sư cho biết.
Nguồn: Báo xây dựng