Nguyên tắc xử phạt vi phạm đất đai?

(TN&MT) – Gia đình tôi vừa nhận chuyển nhượng đất và đang làm thủ tục sang tên. Tuy nhiên, trong lúc làm thủ tục mới phát hiện chủ cũ của mảnh đất đã sử dụng sai mục đích. Xin hỏi, các sai phạm này sẽ được xử lý như thế nào? Gia đình tôi có bị liên lụy khi nhận chuyển nhượng mảnh đất trước đó đã bị sử dụng sai mục đích hay không? Cơ quan chức năng sẽ xử phạt gia đình tôi hay chủ cũ về sai phạm sử dụng đất sai mục đích? Nguyên tắc xử phạt vi phạm đất đai như thế nào?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2011, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật; người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính…”.

xu-phat-dat-dai.jpg
Ảnh minh họa

Đồng thời, tại Điều 5 Luật này cũng quy định rõ về đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính; Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra; …

Theo các quy định trên, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính với các nội dung như: Hành vi vi phạm, người thực hiện hành vi sử dụng đất sai mục đích,…

Như vậy, nếu chủ cũ sử dụng đất sai mục đích thì chủ mới không bị xử phạt, bởi nguyên tắc trách nhiệm pháp lý chỉ áp dụng đối với người vi phạm và người có thẩm quyền có trách nhiệm chứng minh vi phạm đó.

Trường hợp không thực hiện hành vi vi phạm nhưng vẫn có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không thực hiện hành vi sử dụng đất sai mục đích.

Ngoài ra, ngay cả khi người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chứng minh được vi phạm hành chính nhưng “chủ cũ” cũng không bị phạt nếu hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020. Theo quy định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 2 năm. Và thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau: Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc, thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm; đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Bạn cũng có thể thích