Nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô và bài học trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trong một quá trình và biểu hiện qua nhiều dấu hiệu cụ thể trong tâm lý, tư tưởng, đạo đức, lối sống hàng ngày. Nó dẫn đến sự thay đổi hành vi, thay đổi về quan điểm chính trị và là mầm mống của các hoạt động chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa dưới nhiều hình thức.

1. Nhìn lại nguyên nhân sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực Liên Xô:

Hơn 100 năm trước đây, Cách mạng tháng mười Nga vĩ đại đã giành thắng lợi và mở ra một kỷ nguyên mới của nhân loại, kỷ nguyên ra đời và phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Bắt đầu là nước Nga, với mục tiêu đầy nhân văn là giải phóng con người khỏi hình thức áp bức của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc và thực dân, mang lại cơm áo, tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho nhân dân. Chủ nghĩa xã hội hiện thực như vừng dương bừng sáng giữa đêm tối, nhanh chóng lan toả đến khắp các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ, trở thành động lực mạnh mẽ, chỗ dựa vững chắc cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vùng lên, đánh đổ các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược giành độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, trở thành nguồn cổ vũ to lớn cho cuộc đấu tranh đòi quyền tự do, cải thiện đời sống của công nhân và nhân dân lao động trong các nước tư bản chủ nghĩa. Nhưng năm 1991, sau 74 năm tồn tại với những thành tựu vĩ đại, Liên Xô cùng mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực Xôviết sụp đổ kéo theo sự tan vỡ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên phạm vi thế giới. Cần lưu ý, Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo, Liên Xô tan rã mà không phải do một cuộc chiến tranh với chủ nghĩa đế quốc.

Liên Xô tan rã cơ bản là do những sai lầm quan trọng về chiến lược của Đảng Cộng sản Liên Xô, trước hết là trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp chiến lược. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, ban lãnh đạo Đảng và nhà nước Liên Xô đã không tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử cơ hội, thực dụng trong đội ngũ cán bộ chủ chốt. Năm 1959, lần đầu tiên có 4 cán bộ của Liên Xô sang học ở Mỹ. Sau này, hai người trong số đó là A.Yakoplep, Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng – lý luận và tướng tình báo C.Danilovich đã trở thành những “điệp viên ảnh hưởng” của CIA, là đạo diễn chính của công cuộc cải tổ làm sụp đổ và tan rã Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết. Năm 1975, M.Gorbachev đã tiếp xúc với Matlock là người phụ tách Đại sức quán Mỹ ở Matxocova, từ đó trở thành đối tượng mà phương Tây tư bản chủ nghĩa tiếp cận và lợi dụng. M.Gorbachev cũng lũng đoạn đội ngũ cán bộ cao cấp trong Đảng và Nhà nước, tước bỏ dần các khả năng hành động đúng đắn của họ, góp phần nhanh sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô. M.Gorbachev đã báo cáo về “Tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô và nhiệm vụ cải tổ” trong đó đưa ra chủ nghĩa xã hội nhân đạo.

Điều này về thực chất là phủ nhận triệt để chủ nghĩa Mác – Lênin, áp dụng thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa, thực hiện đa Đảng qua cái gọi là “phân chia lại quan hệ quyền lực giữa Đảng với Xô viết, giải tán 23 ban trực thuộc trung ương Đảng, tiến tới xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản liên Xô với tư cách Đảng cầm quyền. Hội nghị này là bước ngoặt cơ bản thay đổi thể chế chính trị của Liên Xô.

Trong báo cáo Đại hội XXVII của Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 7/1990), M.Gorbachev công khai bài xích nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều lệ Đảng do Đại hội thông qua chính thức xoá bỏ nguyên tắc quan trọng nhất về tổ chức và hoạt động của Đảng. Ngày 24/08/1991, M.Gorbachev tự ý tuyên bố giải tán Ban chấp hành Trung ương Đảng và từ chức Tổng bí thư. Ngày 29/08/1991, với tư cách là Tổng thống Liên Xô, M.Gorbachev ra lệnh giải thể các cơ quan chính trị và từ ngày 01/09/1991 chấm dứt các hoạt động trong quân đội, làm cho quân đội bị phi chính trị hoá. Ngày 25/12/1991, M.Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống và bàn giao nút bấm toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho B.Elsin, đánh dấu sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô .

Sự thoái hoá của Đảng Cộng sản Liên Xô do các Đảng viên, trước hết và chủ yếu là các đảng viên giữ chức vụ chủ chốt quan trọng, chưa đủ chín muồi về mặt chính trị, chưa thực sự giác ngộ về giai cấp, về lý tưởng cộng sản, sống ích kỷ, đặt lợi ích của bản thân, gia đình người thân lên lợi ích của Đảng, của nhân dân, cục bộ địa phương, kéo bè đưa cả những người yếu kém về năng lực, kém về đạo đức, lối sống vào những vị trí lãnh đạo để làm vây cánh, che chắn bảo vệ mình, tham ô, sống xa hoa, nói một đằng làm một nẻo, cá biệt về đạo đức, lối sống.

Việc nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô có ý nghĩa rất to lớn đối với Đảng cộng sản thế giới, nhất là đối với Đảng Cộng sản cầm quyền như Đảng ta. Sự kiện đó đã để lại nhiều bài học quý giá cho chúng ta, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ở nước ta hiện nay.

2. Định hướng, quan điểm phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của Đảng ta hiện nay:

Do tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống. Chính vì vậy, Đảng ta xác định việc ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái này là nhiệm vụ vừa cơ bản, lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhận định: “ Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”. Hội nghị Trung ương 4 khoá XII quyết định ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, trong đó chỉ rõ: 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, nói trái làm trái đường lối của Đảng, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ hoạ theo những quan điểm sai trái, lệch lạc, sống ích kỷ, hám danh, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu, vô cảm trước bức xúc của nhân dân,..

Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn đến tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Nghị quyết cũng đã xác định rõ các quan điểm: “Nhìn thẳng vào sự việc nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa phòng và chống, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, “phòng và chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”:

Thứ nhất, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ở Việt Nam hiện nay thực chất là cuộc đấu tranh trong nội bộ cán bộ, Đảng viên và nhân dân:

Dù những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là rất nguy hiểm, là nguy cơ đe doạ đến sự lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong, chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng đó vẫn là vấn đề của cuộc đấu tranh nội bộ trong xã hội ta, trong từng tổ chức, từng con người, để làm cho từng con người, tổ chức và xã hội được trong sạch, lành mạnh và khoẻ khoắn hơn. Quan điểm này đòi hỏi mỗi con người và tổ chức nhận thức đúng đắn tầm quan trọng và yêu cầu cơ bản của công cuộc đấu tranh này.

VI. Lê Nin từng chỉ rõ: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của chính bản thân chúng ta” . “Nếu chúng ta không sợ nói thẳng cái thật, dù là rất cay đắng và nặng nề, thì chắc chắn và nhất định chúng ta sẽ học được cách chiến thắng tất cả khó khăn” . “Tất cả các Đảng cách mạng đã bị tiêu vong hoặc cho tới nay đều bị tiêu vong vì tự kiêu tự đại, vì không biết cái gì tạo nên sức mạnh và sợ sệt không dám nói lên nhược điểm của mình”.

Nếu trong mỗi tổ chức, cá nhân phạm phải sai lầm, khuyết điểm mà không nhận thức rõ, không có quyết tâm khắc phục sai lầm, khuyết điểm yếu kém sẽ dẫn đến thoái hoá, biến chất và sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa. Sự phá hoại của thế lực thù địch bên ngoài là một thực tế, là một nguy cơ lớn đối với Đảng và chế độ, chúng ta phải hết sức cảnh giác, chủ động tích cực phòng chống. Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả, là sự tha hoá, suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” làm suy yếu Đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Điều đó, cũng có nghĩa là ta phải tăng cường kỷ luật, công khai minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, đảm bảo lựa chọn đúng người có đức, có tài vào bộ máy và cơ quan lãnh đạo các cấp; tạo môi trường xã hội, thể chế kinh tế lành mạnh, văn minh, khoa học để cán bộ, công chức không có cơ hội sa vào những tiêu cực, tệ nạn xã hội, vi phạm chuẩn mực đạo đức cách mạng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nở hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi” . Mục đích của việc kiên trì trong phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là nhằm khống chế sự phát triển của mặt tiêu cực, làm cho mặt tích cực tăng dần lên, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, làm cho những mặt tích cực có đủ lực và sức mạnh để khắc phục những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Hai là, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân:
Đây là quan điểm chỉ đạo cơ bản đồng thời thể hiện sức mạnh tổng hợp trong quá trình phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, đương nhiên, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của mỗi người khác nhau nhưng đó là nhiệm vụ chung hướng đến. Đó là công việc khó khăn, phức tạp nhưng “khó vẫn phải làm” và phải làm thật tốt.

Trước hết và trực tiếp là, từng con người, từng tổ chức tự mình quan tâm xây dựng cho mình mạnh lên, phải chủ động, tích cự ngăn chặn và khắc phục ảnh hưởng của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của Đảng và xã hội.

Ba là, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ phải tiến hành đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực với những nội dung hình thức, biện pháp đa dạng, linh hoạt, hiệu quả:

Tuỳ theo tình hình cụ thể, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, trên từng lĩnh cực cụ thể mà vận dụng linh hoạt, phù hợp sáng tạo với các hình thức, biện pháp đấu tranh để đạt hiệu quả cao, không cứng nhắc rập khuôn, máy móc.

Cuối cùng là, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ phải tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài, kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa phòng và chống, giữa xây và chống, trong đó lấy phòng, xây là chính:

Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là công việc rất khó, rất phức tạp vì nó liên quan đến tổ chức, xây dựng con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến sứ mạng của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Hơn nữa, việc này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài, không đấu tranh theo kiểu phát động phong trào một cách rầm rộ, qua loa, đại khái không đến nơi đến chốn.

Không kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa xây và chống, trong đó lấy phòng, xây là chính thì cuộc đấu tranh phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực, tác động xấu đến xã hội. Nếu chỉ nhấn mạnh đấu tranh “chống”, coi nhẹ “phòng” hoặc ngược lại đều là những nhận thức không đúng đắn, cần phải khắc phục. Kết hợp giữa xây và chống để giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa thực hiện dân chủ rộng rãi vừa coi trọng kỷ cương, kỉ luật. Kết hợp chủ động đấu tranh phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” tư tưởng tích cực tiến công làm thất bại âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của các thế lực thù địch, với tinh thần tích cực, giữ vững bên trong, tự bảo vệ mình là chính

3. Vai trò, trách nhiệm, và nhiệm vụ cần làm của cán bộ, Đảng viên với phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” hiện nay:

Trong điều kiện Đảng và nhà nước ta điều hành, quản lý đất nước bằng Hiến pháp và pháp luật, thì việc tăng cường kỷ cương, phát huy vai trò trách nhiệm, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là vô cùng quan trọng. Một xã hội văn minh, hiện đại là xã hội mà mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, phải chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, mọi quan hệ xã hội của công dân đều điều chỉnh bằng pháp luật, mọi quyền lực của công dân được luật pháp bảo vệ. Do đó, một đất nước mà kỷ cương, phép nước không nghiêm túc, ý thức chấp hành pháp luật của người dân không cao, xử lý các vấn đề xã hội không dựa chắc trên hệ thống luật pháp mà dựa trên uy quyền của cơ quan duy trì pháp luật thì sẽ làm đảo lộn các giá trị nhân văn của xã hội, làm cho xã hội sẽ chuyển hoá theo chiều hướng tiêu cực.

Trong những năm gần đây, việc duy trì kỷ cương, phép nước chưa thật sự nghiêm minh, dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tệ nạn xã hội như cờ bạc, buôn bán người, ma tuý, mại dâm, tội phạm ngày càng có xu hướng gia tăng,… đã làm huỷ hoại những giá trị văn hoá, đạo đức của dân tộc ta, làm tha hoá một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và thanh thiếu niên, làm tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong xã hội ngày càng phức tạp, lây lan, mất kiểm soát.

Cũng vì việc duy trì lập pháp không nghiêm, hiệu lực pháp luật thấp nên tình trạng người dân không tin vào vai trò của công quyền, dẫn đến người dân tự giải quyết, xử lý các sự việc vi phạm pháp luật bằng “luật rừng”, làm cho sự tha hoá nhân cách đạo đức con người trong xã hội tăng lên. Vì vậy, cần xử lý nghiêm minh mọi cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật Nhà nước, không tạo ra vùng cấm, vùng đặc quyền, đặc lợi, đặc ân cho một tổ chức, cá nhân nào. Cán bộ ở cương vị càng cao càng phải gương mẫu trước cấp dưới, trước nhân dân về chấp hành pháp luật để khôi phục lòng tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên cần đề cao và nuôi dưỡng lòng tự trọng, lòng tự tôn danh dự và uy tín của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân, có như thế mới không bị cuốn vào vòng xoáy của tiền tài, danh vọng, quyền lực chính trị, làm cho tha hoá, mới đứng vững trong cuộc đấu tranh đầy cam go và thử thách này. Để làm được điều đó, người cán bộ, Đảng viên, nhất là người cán bộ chủ trì, người đứng đầu tổ chức Đảng và chính quyền cùng cấp phải thực sự là tấm gương mẫu mực về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, không có một trong chín biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Trong trường hợp cán bộ, Đảng viên có vi phạm một trong các biểu hiện của suy thoái trên thì phải thành khẩn kiểm điểm, nhận rõ sai lầm, khuyết điểm của mình, khắc phục cho được những vi phạm đó, làm cho mình “trong sạch hoá, liêm khiết hoá”, lấy lại uy tín của mình, phấn đấu vươn lên. Từ đó, kiên quyết đấu tranh phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, không tự ti, bi quan, không tự biến mình thành nạn nhân của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Đồng thời, cán bộ chủ trì, chủ chốt, đặc biệt là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp Nhà nước không phải chỉ biết mẫu mực riêng của bản thân mình, mà phải làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên dưới quyền mình, trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách, trong cơ quan, đơn vị cũng đều phải mẫu mực. Giữ cho mình mẫu mực là cần thiết nhưng như vậy thì rất khó có thể tự phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” khi có cấp dưới tham ô, tham những.

Thời gian vừa qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ chính trị, Ban bí thư và Chính phủ đã chủ trương tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều lĩnh vực và đưa ra xét xử một số vụ án lớn về kinh tế được dư luận rất hoan nghênh. Qua đó, cho thấy cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đã được thực hiện bước đầu một cách quyết đoán và được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ cao.

Trải qua hơn 93 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng. Tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là yêu cầu, nhiệm vụ, thử thách to lớn. Làm tốt được điều này là điều kiện quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là Đảng cách mạng chân chính, xứng đáng với niềm tin và sự mong mỏi của nhân dân.

Thông tin tác giả:
Cán bộ Trương Thị Thu Thảo
Phòng Quản lý nợ – VCB Tân Sài Gòn

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hiến pháp, 2013.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII”, 2016.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15.
4. V.I. Lê nin, Toàn tập, Tập 41, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977.
5. V.I. Lê nin, Toàn tập, Tập 44, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978.
6. V.I. Lê nin, Toàn tập, Tập 45, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978.
7. Hội đồng lý luận trung ương, “Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về chính trị, tư tưởng trong Đảng”, NXB Công an nhân dân, 2021.
8. Nguyễn Phú Trọng, “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước”, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2017.

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích