Nguyên nhân phát sinh tranh chấp hợp đồng xây dựng và những quy định pháp lý ngăn ngừa chậm tiến độ

Nguyên nhân phát sinh tranh chấp hợp đồng xây dựng và những quy định pháp lý ngăn ngừa chậm tiến độ

MTĐT –  Thứ ba, 28/02/2023 09:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các chuyên gia của Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ trong các dự án xây dựng tại Việt Nam và các giải pháp ngăn ngừa chậm tiến độ ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Nguyên nhân từ chủ thể tham gia hợp đồng

Ngày 9/12/2022, Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN) đã tổ chức Hội thảo Hợp đồng và Xử lý tranh chấp trong xây dựng (CCCDR2022) với chủ đề: “Ngăn ngừa và đánh giá chậm tiến độ”

Tại diễn đàn hội thảo, một chuyên gia về Hợp đồng xây dựng đã cho rằng, có 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Thứ nhất, quá trình chuẩn bị hợp đồng và xác lập hợp đồng không tốt. Hồ sơ mời thầu, trong đó phải kể đến các yêu cầu của hồ sơ mời thầu bao gồm cả hồ sơ thiết kế kèm, thiết kế chưa đáp ứng yêu cầu để lập hồ sơ dự thầu, đàm phán, ký kết hợp đồng.

Điều này dẫn đến trong quá trình thi công phải thay đổi, điều chỉnh nhiều. Ví dụ như: vấn đề cơ bản nhất là công tác GPMB chưa đáp ứng việc triển khai dự án nhưng vẫn mời thầu, do đó quá trình triển khai dự án phải vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng dẫn đến vướng mắc, tranh chấp. Hoặc các điều kiện hợp đồng chưa rõ ràng dẫn đến phát sinh tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong quá trình thực hiện, làm dự án kéo dài thực hiện hợp đồng, thậm trí còn đình trệ nhiều năm không giải quyết được.

Thứ hai, công tác quản lý thực hiện hợp đồng chưa tốt. Quản lý hợp đồng là vấn đề mấu chốt, quyết định sự thành công của hợp đồng. Nếu coi quá trình xác lập hợp đồng là điều kiện cần, thì công tác quản lý hợp đồng sẽ là điều kiện đủ.

Quá trình xác lập hợp đồng có tốt đến mấy mà quản lý thực hiện hợp đồng không tốt thì kết quả chưa chắc đã như mong muốn của các bên khi xác lập hợp đồng. Nếu quản lý thực hiện hợp đồng không tốt thì cũng không tránh khỏi kéo dài tiến độ thực hiện dự án.

Thứ ba, xung đột giữa các quy định pháp luật và một số vấn đề khác. Có những góc nhìn, quan điểm khác nhau giữa 2 bên, một bên là nhà thầu, một bên là chủ đầu tư và tư vấn. Hai bên có quan điểm khác nhau thì không tránh khỏi những xung đột, tranh chấp.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đồng thời chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm trễ thực hiện hợp đồng, kéo dài thời gian hoàn thành hợp đồng:

Thứ nhất, do chính các chủ thể hợp đồng gây ra, như năng lực xác lập hợp đồng, năng lực quản lý thực hiện hợp đồng của các chủ thể yếu.

Có những vấn đề khi nhà thầu đệ trình lên chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư không quyết định ngay vì một lý do nào đó, trong đó có thể vì quan điểm của chủ đầu tư cho rằng không phải là vấn đề chủ đầu tư giải quyết, dẫn đến phải dừng triển khai dự án vì nhà thầu không có cơ sở thực hiện tiếp, dẫn đến kéo dài thực hiện dự án.

Việc thực hiện hợp đồng cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân chậm thực hiện các nghĩa vụ như: nghĩa vụ chi trả, không tích cực giải quyết các xung đột và một số các nguyên nhân khác…

Thứ hai, do bên thứ 3. Ví dụ như: công tác giải phóng mặt bằng, ở Việt Nam các Chủ đầu tư không trực tiếp thực hiện mà thường do cấp chính quyền địa phương thực hiện, dẫn đến chủ đầu tư bị động, khó kiểm soát.

Hay thời gian vừa qua khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, cơ quan nhà nước yêu cầu các công trình phải dừng hoạt động, không được phép thi công hoặc yêu cầu phải đáp ứng điều kiện nhất định thì mới được thi công…

Hoặc do chuyển đổi cơ quan chủ quản, có những dự án tại Việt Nam khi chuyển đổi cơ quan chủ quản thì phải chuyển đổi nguồn vốn và việc bố trí vốn quay lại từ đầu dẫn đến dự án kéo dài, hợp đồng đình trệ.

Thứ ba, do thay đổi pháp luật hay ngoại cảnh mang lại. Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cùng với sự thay đổi, chuyển dịch và độ mở của nền kinh tế, việc thay đổi pháp luật để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới, phù hợp với sự thay đổi của xã hội là điều không tránh khỏi.

Thời gian vừa qua, pháp luật về xây dựng thay đổi rất nhiều, thay đổi từ Luật Xây dựng 2003 cho đến Luật Xây dựng 2014 và gần đây là Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung 2020, quá trình này là sự thay đổi thẩm quyền của các chủ thể trong quá trình tham gia quan hệ hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động quản lý hợp đồng xây dựng…

Hầu hết các hợp đồng trên thế giới, không chỉ riêng hợp đồng xây dựng, thường đều có quy định hợp đồng sẽ được điều chỉnh khi việc thay đổi pháp luật thay đổi sau ngày ký kết hợp đồng có hiệu lực (hoặc ngày cơ sở), đều được phép điều chỉnh hợp đồng nếu các thay đổi này có tác độngảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng và điều này đương nhiên dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành dự án theo dự kiến.

Quá trình thay đổi thẩm quyền của các chủ thể, nếu chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu không kiểm soát được dễ dẫn đến mất một thời gian rất dài, kéo dài thực hiện dự án.

Một chuyên gia tổng kết quá trình theo dõi, quản lý công tác hợp đồng các dự án đầu tư xây dựng trên toàn quốc, cho thấy nguyên nhân dẫn đến chậm thực hiện hợp đồng, kéo dài thời gian hoàn thành hợp đồng xuất phát từ các chủ thể hợp đồng là rất lớn. Có những dự án lớn bị chia ra thành nhiều gói thầu rất nhỏ nhưng sau đó không quản lý được các gói thầu này dẫn đến tình trạng độ trễ của gói thầu này kéo theo độ trễ của các gói thầu khác.

Quản lý tiến độ dự án ngay từ quyết định đầu tư

Vậy, cơ quan quản lý Nhà nước đã có những quy định nào nhằm ngăn ngừa chậm tiến độ dự án có thể xảy ra?

Một chuyên gia đến từ cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cho biết, pháp luật về xây dựng đã quy định cụ thể, chặt chẽ về quản lý tiến dự án ngay từ trong quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt đự án, từ đó xác lập tiến độ dự án và tiến độ đến từng gói thầu.

Cụ thể, để ngăn ngừa chậm tiến độ trong giai đoạn chuẩn bị dự án, một số quốc gia trên thế giới, điển hình như ở Nhật Bản, ở giai đoạn chuẩn bị dự án nghiên cứu rất kỹ, có sự đầu tư thích đáng cả về mặt thời gian và nguồn lực tài chính, con người, hiệu quả sau này là việc điều chỉnh dự án được hạn chế rất nhiều.

Trong khi đó, tại Việt Nam, việc đầu tư thời gian, nguồn lực cho công tác chuẩn bị dự án, bao gồm dự án vốn đầu tư công và dự án vốn khác, từ trước tới nay, đa số được đánh giá là chưa thích đáng. Đặc biệt, các cơ quan chính quyền cũng như người quyết định đầu tư, chủ đầu tư là những người bỏ tiền ra thực hiện dự án, đều rất muốn làm dự án nhanh nhất và rẻ nhất có thể và thường không quan tâm nhiều đến việc chuẩn bị dự án.

Nhiều dự án được quyết định một cách rất ý chí, do ý chí chỉ đạo… Do “bị ép”, nhiều dự án không tránh khỏi phải xong theo tiến độ nhất định, dẫn đến hệ quả rất nhiều dự án đến bước triển khai sau phải “gọt chân cho vừa giầy” để đảm bảo đáp ứng tiến độ. Như vậy là chấp nhận hệ quả chất lượng và hiệu quả dự án sẽ giảm.

Ngoài ra, còn do các yếu tố khác như kinh nghiệm của các bên liên quan, số liệu chưa đầy đủ và tin cậy, các quy định pháp luật chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo hoặc chưa được đánh giá hết, chưa được đưa vào đầy đủ trong dự án…

Phần chi phí đầu tư cho công tác chuẩn bị dự án trong các dự án tư nhân thông thường cũng không đầu tư thích đáng và thấp.

Ở giai đoạn thực hiện dự án, Luật Xây dựng cũng như các Nghị định hướng dẫn Luật đã có những sự thay đổi rất lớn, đáng kể nhằm bảo đảm chất lượng dự án được kiểm soát, thời gian thực hiện dự án được tối ưu, từ đó giúp giảm kinh phí thực hiện dự án…

Luật Xây dựng 2020 đã có những thay đổi rất nhiều và thay đổi lớn, đặc biệt là ở bước thiết kế, giúp làm giảm thời gian và kinh phí thực hiện cho các bước thực hiện dự án ở giai đoạn khảo sát thiết kế.

Như vậy, tư vấn thiết kế khi đề xuất lập báo cáo tiền khả thi phải đề xuất rất rõ lý do tại sao phải đưa ra mấy bước thiết kế và tên cụ thể của từng bước thiết kế. Những nội dung này phải được thể chế hóa trong quyết định đầu tư để xác định từng bước thiết kế.

Ngoài ra, để giảm thời gian thực hiện dự án, những thủ tục hành chính do cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện (thẩm định thiết kế, thẩm định dự án), chỉ thực hiện thẩm định một bước thiết kế và chỉ thẩm định phần của quản lý nhà nước, các phần còn lại là thẩm quyền của chủ đầu tư.

Luật Xây dựng 2020 cũng quy định cụ thể về các đối tượng miễn Giấy phép xây dựng, trong đó trước 3 ngày chỉ phải gửi Thông báo khởi công gửi đến cơ quan quản lý trật tự xây dựng địa phương…

Do đó, công tác nghiên cứu quy định của pháp luật cần được tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện đầy đủ… nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án mà vẫn đảm bảo đầy đủ quy trình thực hiện dự án theo quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích