Nguyên nhân khiến các bến xe “đìu hiu”?

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm “Vì sao khách chưa quay trở lại bến xe?”. Tọa đàm có sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý như: Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam; ông Nguyễn Tuyển – Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải Hà Nội; ông Cao Văn Hiệp – Phó Chánh Thanh tra, Sở Giao thông vận tải Hà Nội; Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát Giao thông – Công an thành phố Hà Nội; Trung tá Nguyễn Văn Lương – đại diện Công an phường Mỹ Đình 2, Công an quận Nam Từ Liêm; ông Nguyễn Công Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam; ông Đỗ Văn Bằng – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Văn Lập – Giám đốc Bến xe Nước Ngầm; ông Trần Hoàng – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội; ông Nguyễn Xuân Thuỷ – chuyên gia giao thông; ông Đoàn Ngọc Hùng – Trưởng phòng Quản lý vận tải, Công ty TNHH Văn Minh.

Nguyên nhân khiến các bến xe “đìu hiu”?
Ông Nguyễn Đức Thắng – Phó Tổng biên tập Báo Giao thông phát biểu khai mạc tọa đàm.

Tại tọa đàm, ông Trần Hoàng – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội thông tin, sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2023, tình hình hoạt động vận tải tại các bến xe trên cả nước nói chung và tại các bến xe của Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội nói riêng (Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm) giảm 300.000 lượt/3 bến, chiếm 28%. Trong đó, tùy theo từng bến, có bến Mỹ Đình giảm trên 30%; Bến xe Giáp Bát giảm 25% còn Bến Gia Lâm giảm gần 50%.

Ông Nguyễn Văn Lập – Giám đốc bến xe Nước Ngầm cũng cho hay, trước dịch Covid-19 ngày thường bến xe đón khoảng 600-700 lượt xe, riêng dịp lễ, Tết là trên 900 lượt nhưng nay chỉ còn 250-300 lượt xe/ngày. Riêng trong tháng 3-4 này là trên 400 lượt xe/ngày, tỉ lệ giảm gần 50%.

Theo đại diện Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, ngoài việc gây ảnh hưởng tới kinh tế của các doanh nghiệp khai thác bến xe, tình trạng sụt giảm lượng hành khách vào bến còn ảnh hưởng tới các vấn đề về xã hội. Minh chứng dễ thấy là hệ thống vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định đang dần đánh mất vai trò là trục “xương sống” của vận tải. Hệ thống này mang lại hiệu quả xã hội cao nhất, vận chuyển khối lượng lớn, vận chuyển những chuyến xe đã được kiểm tra, kiểm soát. Nếu đánh mất điều này thì ngoài ảnh hưởng kinh tế với doanh nghiệp, còn mang tới hệ lụy cho xã hội.

Bàn về nguyên nhân khiến hành khách ít quay trở lại bến, ông Nguyễn Công Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hiện số lượng xe hợp đồng gia tăng so với xe tuyến cố định lên đến hàng chục nghìn xe, chưa kể còn xuất hiện loại hình xe ghép, xe tiện chuyến cũng đang cạnh tranh không công bằng với xe tuyến cố định. Những xe này thậm chí còn không đổi màu biển số theo quy định. Những loại hình vận tải này cùng lúc hoạt động, gây xung đột với nhau.

Nguyên nhân khiến các bến xe “đìu hiu”?
Các bến xe trên địa bàn Hà Nội hiện đang nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Trong khi đó, nhu cầu người dân tăng cao, điều kiện quản lý xe hợp đồng quá lỏng lẻo khi không phải đăng ký xin vào nốt, không đăng ký luồng tuyến, lái xe không bị kiểm soát, văn phòng đại diện mọc khắp nơi như một bến xe thu nhỏ…

Nhìn nhận vấn đề trên góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa vào bến không phải họ không muốn vào mà do bến chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng mà họ phục vụ. Từ Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Nước Ngầm có thể thấy, sau khi các bến nâng cao chất lượng phục vụ đã trực tiếp thu hút đông đảo hành khách quay trở lại.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, hiện đang tồn tại nhiều loại hình kinh doanh vận tải nhưng xét cho cùng loại hình nào cũng hướng trực tiếp đến việc phục vụ nhu cầu hành khách. Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến hàng loạt đơn vị vận tải tuyến cố định thông báo cắt lốt, ngừng hoạt động và lượng hành khách vào các bến xe có xu hướng giảm. Cụ thể, quy định luồng tuyến chưa thực sự phù hợp; các điểm dừng, đỗ không thuận tiện, ít kết nối với hành khách; phương tiện của các đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải quá cũ, không đảm bảo chất lượng; thói quen sử dụng xe cá nhân… cũng là một trong những căn nguyên khiến hành khách ít quay trở lại bến.

Đinh Luyện

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích