Nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm an toàn từ phụ phẩm nông nghiệp
Nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm an toàn từ phụ phẩm nông nghiệp
Nhóm nghiên cứu ở Công ty trách nhiệm hữu hạn Bio Nông Lâm đã ứng dụng công nghệ enzyme tạo ra những nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm an toàn từ vụn tổ yến, da cá, da ếch.
Sử dụng enzyme protease, nhóm nghiên cứu do ông Lê Phước Thọ của Công ty Bio Nông Lâm đứng đầu đã thu dịch acid amin từ vụ tổ yến trong các điều kiện như nhiệt độ 50-60ºC, thời gian thủy phân 60-90 phút, pH 6-7, tốc độ khuấy 1.200-1.800 vòng/phút. Phân tích thành phần hóa học cho thấy, lượng acid amin tổng (µg/ml) thu được khá cao, từ 54 (trước thủy phân) lên 82 (sau khi thủy phân). Dịch acid amin sau khi thủy phân đạt tiêu chuẩn giới hạn vi khuẩn, nấm mốc theo quy định của Bộ Y tế.
Thử nghiệm bổ sung vào kem dưỡng da, cho thấy dịch acid amin từ vụn tổ yến phù hợp cho việc ứng dụng làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm.
Các acid amin nằm sâu trong da được xem là các yếu tố giữ ẩm tự nhiên. Đồng thời chúng giúp hoạt chất cấp ẩm khác hoạt động tốt, bền vững trên da, giúp duy trì độ căng mướt và bóng khỏe cho da. Acid amin còn tạo ra nhiều chất chống oxy hóa cho da, hạn chế da lão hóa bởi các tác nhân từ môi trường. Đồng thời, nó giúp phục hồi và sửa chữa tế bào tổn thương. Tùy thuộc vào từng loại mỹ phẩm, có thể bổ sung tỷ lệ acid amin cho phù hợp.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng hoàn thiện quy trình tách chiết collagen từ da ếch hoặc da cá, sản xuất chất hoạt động bề mặt Sophorolipids từ mật rỉ đường,… Tùy từng loại phế phẩm, có thể lựa chọn các enzyme và quy trình sản xuất khác nhau cho phù hợp. Nhóm nghiên cứu có thể tư vấn, chuyển giao công nghệ hoặc sản xuất các nguồn nguyên liệu này cho các đơn vị có nhu cầu.
Theo ông Lê Phước Thọ, là một nước nông nghiệp, hằng năm Việt Nam thải ra một lượng lớn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,… Phần lớn, những phụ phẩm này chưa được tận dụng triệt để, chủ yếu là thải bỏ. Trong khi đó, từ đế đông trùng hạ thảo có thể thu cao chiết đông trùng chứa adenosine, cordycepin, polysaccharide; từ da ếch hoặc da cá (tra, ba sa…) có thể tách chiết collagen; từ mật rỉ đường có thể lên men Candida bombicola, sản xuất chất hoạt động bề mặt Sophorolipids; vụn tổ yến có thể đem thủy phân để thu acid amin;… Các chất, hoạt chất này được dùng làm chất nền (nước hoặc dầu), chất nhũ hóa, tạo gel, tạo mùi, tạo màu, chất bảo quản,… trong sản xuất mỹ phẩm. Chúng quyết định phần lớn công dụng, hiệu quả của mỹ phẩm, lại không độc hại, nên hiện đang ngày càng được thị trường ưa chuộng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị