Nguy xâm nhập mặn lưu vực sông Hồng-Thái Bình
Nguy xâm nhập mặn lưu vực sông Hồng-Thái Bình
Trong lưu vực sông Hồng – Thái Bình hiện nay có 105 điểm quan trắc, 194 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xây dựng và đưa vào vận hành.
Lưu vực Sông Hồng – Thái Bình là nơi có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đa dạng. Lưu vực Sông Hồng – Thái Bình có các tầng chứa nước phân bố ở 10 tỉnh thành, trong đó có 2 thành phố trực thuộc trung ương và 8 tỉnh, với tổng diện tích phân bố 19.822km2 . Trong lưu vực sông Hồng – Thái Bình hiện nay có 105 điểm quan trắc, 194 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xây dựng và đưa vào vận hành.
Từ năm 2017 Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Bộ TNMT) đã thực hiện biên soạn Bản tin chuyên đề dự báo hạ thấp mực nước giai đoạn 5 năm và đánh giá nguy cơ xâm nhập mặn tài nguyên nước dưới đất.
Kết quả dự báo nguy cơ hạ thấp mực nước dưới đất và xâm nhập mặn lưu vực sông Hồng – Thái Bình giai đoạn 2021 – 2026 được tổng hợp cụ thể sau:
Kết quả dự báo tốc độ hạ thấp mực nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình
Tầng chứa nước Holocene (qh)
Đây là tầng chứa nước nằm phía trên tầng chứa nước khai thác chính (qp) của lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Tầng chứa nước này là một trong những nguồn bổ cập cho tầng chứa nước khai thác chính. Giai đoạn 5 năm 2016-2021, mực nước trung bình có xu thế dâng với tốc độ dâng là 0,03m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,19m/năm tại công trình Q.56 (Xã Thọ An, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội). Giai đoạn 10 năm 2011-2021, mực nước trung bình có xu thế hạ với tốc độ hạ là 0,02m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,31m/năm tại công trình Q.10M1 (Xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Giai đoạn 15 năm 2006-2021, mực nước trung bình có xu thế hạ với tốc độ hạ là 0,02m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,30m/năm tại công trình Q.108aM1 (Xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
Kết quả dự báo cho thấy tốc độ hạ thấp mực nước trong 5 năm tới (2021-2026) trong tầng chứa nước Holocene thay đổi không đáng kể so với tốc độ hạ thấp mực nước giai đoạn 5 năm hiện tại (2016-2021): Khu vực Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (Q.115), huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương (Q.146) và huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình (Q.159) đang có xu hướng nằm ngang, khu vực huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (Q.2) và Q. Kiến An, TP. Hải Phòng 8 (Q.164) đang có xu hướng dâng còn khu vực Q. Hà Đông, TP. Hà Nội (Q.69) đang có xu hướng hạ thấp.
Tầng chứa nước Pleistocene (qp)
Đây là tầng chứa nước khai thác chính của lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Giai đoạn 5 năm 2016-2021, mực nước trung bình có xu thế hạ với tốc độ hạ là 0,01m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,71m/năm tại công trình Q.109a (xã Trực Phú, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Giai đoạn 10 năm 2011-2021, mực nước trung bình có xu thế hạ với tốc độ hạ là 0,12m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,63m/năm tại công trình Q.109a (xã Trực Phú, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Giai đoạn 15 năm 2006-2021, mực nước trung bình có xu thế hạ với tốc độ hạ là 0,13m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,57m/năm tại công trình Q.109a (xã Trực Phú, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).
Kết quả dự báo phân vùng tốc độ hạ thấp cho 5 năm (2021- 2026) cho thấy xu hướng hạ thấp chung của toàn vùng phù hợp với xu hướng hạ thấp giai đoạn 5 năm trước (2016-2021). Tuy nhiên, một số khu vực hạ thấp mực nước dưới đất giai đoạn (2021-2026) có xu hướng giảm so với giai đoạn 5 năm trước (2016-2021) bao gồm: Khu vực P. Minh Khai, Q. Từ Liêm, TP. Hà Nội (Q.62); xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội (Q.177a); P. Lam Sơn, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên (Q.129bM1); xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội (Q.66b).
Kết quả dự báo nguy cơ xâm nhập mặn lưu vực sông Hồng – Thái Bình
Tầng chứa nước Holocene (qh)
Nhìn chung hàm lượng tổng khoáng hòa tan (TDS) của nước mùa khô năm 2021 tại các công trình quan trắc tầng chứa nước Holocene đều nhỏ hơn 1500mg/l (nước nhạt), một số nơi vượt quá giới hạn cho phép nước bị lợ hoặc mặn. Hàm lượng TDS từ 1500 – 3000mg/l (nước lợ) phân bố tại các công trình quan trắc thuộc xã Yên Lương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định (Q.107), Xã Hưng Long, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên (Q.127), TT. Thanh Miện, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương (Q.131), P. Quán Trữ, Q. Kiến An, TP. Hải Phòng (Q.164a) , xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (Q.158). Hàm lượng TDS > 3000mg/l (nước mặn) phân bố tại công trình quan trắc thuộc xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Q.108aM1), xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (Q.110), xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (Q.111), xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương (Q.145), xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (Q.148), xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (Q.156M1), xã Hải Thành, huyện Dương Kinh, TP. Hải Phòng (Q.165). Tại một số công trình quan trắc, hàm lượng TDS có xu hướng tăng. Một số công trình hàm lượng TDS có xu hướng vượt quá giá trị giới hạn (GTGH) theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước dưới đất như Q.148 (Tứ Kỳ, Hải Dương), Q.110 (Hải Hậu, Nam Định)
Tầng qh không là tầng khai thác chính nhưng cũng chịu ảnh hưởng từ tầng qp. Trên cơ sở kết quả phân vùng nguy cơ nhiễm mặn cho thấy vùng có nguy cơ nhiễm mặn tập trung chủ yếu ở tỉnh Hà Nam, Hải Dương. Trên cơ sở đó các đơn vị khai thác nước dưới đất cần chú ý chế độ khai thác ở các nhà máy nước quanh khu vực này. Một số nơi thuộc vùng nước nhạt nhưng hàm lượng TDS vẫn có xu hướng tăng như huyện, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (Q.115) tăng với tốc độ 26,47 mg/l/năm. Khu vực đang thuộc vùng nước mặn nhưng hàm lượng TDS vẫn có xu hướng tăng theo thời gian; huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (Q.110) tăng với tốc độ là 450 mg/l/năm.
Tầng chứa nước Pleistocene (qp)
Nhìn chung hàm lượng tổng khoáng hòa tan (TDS) của nước mùa khô năm 2021 tại các công trình quan trắc tầng chứa nước Pleistocen đều nhỏ hơn 1500mg/l (nước nhạt), một số nơi vượt quá giới hạn cho phép nước bị lợ hoặc mặn. Hàm lượng TDS từ 1500 – 3000mg/l (nước lợ) phân bố tại các công trình quan trắc thuộc các tỉnh: P. Lam Sơn, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên (Q.129bM1), TT. Vương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên (Q.130bM1), P. Mạo Khê, TX.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (Q.142), xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (Q.148a), xã Lê Lợi, huyện An Dương, TP. Hải Phòng (Q.167a), xã Lam Hạ, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (Q.85b), xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (Q.88b) Hàm lượng TDS > 3000mg/l (nước mặn) phân bố tại công trình quan trắc thuộc xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương (Q.145a), P. Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (Q.82a), P. Quang Trung, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (Q.84b), xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (Q.86aM1). Kết quả quan trắc hàm lượng TDS tại một số công trình thuộc các tỉnh có xu hướng tăng như Phú Xuyên, Hà Nội (Q.175a). Một công trình hàm lượng TDS có xu hướng vượt quá giá trị giới hạn (GTGH) theo QCVN 09- MT:2015/BTNMT về chất lượng nước dưới đất như Q.189 (Việt Yên, Bắc Giang), Q.85b (Phủ Lý, Hà Nam).
Tầng qp là tầng khai thác nước chính dẫn đến ảnh hưởng xâm nhập mặn theo phương ngang. Trên cơ sở kết quả phân vùng nguy cơ nhiễm mặn cho thấy vùng có nguy cơ nhiễm mặn tập trung chủ yếu ở tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Trên cơ sở đó các đơn vị khai thác nước dưới đất cần chú ý chế độ khai thác ở các nhà máy nước quanh khu vực này. Một số khu vực thuộc vùng nước mặn nhưng hàm lượng vẫn có xu hướng tăng theo thời gian như: huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (Q.189) tăng với tốc độ 66,67mg/l/năm. Một số khu vực thuộc vùng nước nhạt nhưng hàm lượng TDS cũng tăng theo thời gian: huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội (Q.175a) tăng với tốc độ 63,63mg/l/năm.
CHI TIẾT KẾT QUẢ DỰ BÁO NGUY CƠ HẠ THẤP MỰC NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÀ XÂM NHẬP MẶN LƯU VỰC SÔNG HỒNG – THÁI BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 –2026
Khánh Dung (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị