Nguy hại từ các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ
Theo lực lượng chức năng, thời điểm cuối năm tình hình buôn bán kinh doanh các loại mặt hàng bánh kẹo, thuốc lá, nhất là rượu bia tăng cao. Lợi dụng thời điểm này nhiều đối tượng đã thực hiện các hành vi kinh doanh rượu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng lưu ý có nhiều cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh rượu không có giấy phép điều này gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Cụ thể, mới đây Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm kinh tế, chức vụ và môi trường, Công an thành phố Lào Cai kiểm tra đối với 02 sơ sở tại thôn Hoà Lạc, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Tại cửa hàng bà Phạm Thị Hải Yến; địa chỉ: Thôn Hoà Lạc, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; kiểm tra phát hiện bà Yến kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận thành lập hộ kinh doanh; không có giấy phép bán lẻ sản phẩm rượu; bày bán 600 lít rượu không rõ nguồn gốc. Đội QLTT số 1 đã lập biên bản tạm giữ và ban hành quyết định tạm giữ số hàng hóa vi phạm trên để xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.
Tại hộ kinh doanh Nguyễn Thị Vanh; địa chỉ: Thôn Hoà Lạc, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; kiểm tra phát hiện bà Vanh bày bán 400 lít rượu không rõ nguồn gốc. Đội QLTT số 1 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Đội cảnh sát phòng chống Tội phạm kinh tế, chức vụ và môi trường Công an thành phố Lào Cai để xác minh làm rõ hành vi vi phạm.
Tại tỉnh Hà Nam, ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, tình hình buôn bán, kinh doanh rượu trên địa bàn vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp. Qua kiểm tra cho thấy, đối với việc sản xuất rượu thủ công, đa phần các hộ chưa thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh theo quy định.
Số lượng cơ sở bán lẻ rượu được cấp phép còn ít do các cơ sở chủ yếu bán tại cửa hàng tạp hóa, xen kẽ với nhiều mặt hàng hóa khác. Phần lớn các hộ gia đình tự nấu rượu trong diện tích nhà ở của gia đình, quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các khu dân cư nên công tác hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý vẫn còn những đối tượng lén lút buôn bán, vận chuyển rượu nhập lậu từ bên ngoài vào mà lực lượng chức năng chưa kiểm soát hết được. Việc xử lý vi phạm hành chính với người kinh doanh nhỏ lẻ, bán đồ ăn nhanh, nước giải khát có bán kèm rượu còn gặp nhiều khó khăn. Nhân lực, kinh phí, phương tiện phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị chức năng còn thiếu, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ…
Nếu người uống rượu với số lượng quá nhiều thì gan không kịp sản xuất đủ số lượng men để chuyển hoá giải độc rượu. Khi đó rượu sẽ bị ứ đọng lại và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng. Rượu gây viêm loét dạ dày, tiêu chảy, gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm tuỵ, đái tháo đường, bệnh tim mạch. Đối với hệ thần kinh trung ương: gây viêm nhiều dây thần kinh, tổn thương tiểu não, thất điều, loạn vận ngôn. Uống càng nhiều rượu càng tăng nguy cơ ung thư miệng, lưỡi, yết hầu, thực quản, gan tuỵ.
Lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm (sử dụng rượu được sản xuất từ phương pháp lên men thủ công dễ tạo ra methanol, rượu pha chế từ cồn công nghiệp có chứa methanol hoặc cồn methanol, rượu ngâm với rễ cây, rượu ngâm phủ tạng động vật có chứa các độc tố) sẽ dẫn đến ngộ độc rượu.
Nếu uống quá nhiều rượu sẽ không làm chủ được hành vi, thường xuyên lo âu trầm cảm và gây bạo hành trong gia đình; Năng suất lao động thấp, thời gian lao động giảm, bị mất việc, gây thiệt hại về kinh tế. Ngoài ra, sau khi uống rượu điều khiển xe dễ gây tai nạn giao thông, gây mất trật tự công cộng. Theo WHO, tại Việt Nam, người điều khiển mô tô, xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 0.05g/100ml có nguy cơ gặp tai nạn giao thông cao gấp 40 lần so với người không sử dụng rượu, bia.
Để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng ngộ độc rượu, trước hết mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, chỉ sử dụng các sản phẩm rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác, bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ gia đình, cơ sở sản xuất rượu chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, không sử dụng phẩm màu, phụ gia, hóa chất không được phép, cồn công nghiệp trong sản xuất rượu… Đặc biệt, cần siết chặt quản lý thị trường rượu, bao gồm rượu do người dân tự nấu, tự pha chế.
An Dương