Nguy cơ nhiễm bệnh vì thói quen ăn đồ tái sống
Nguy cơ nhiễm bệnh vì thói quen ăn đồ tái sống
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, mới đây đã tiếp nhận một trường hợp bị nhiễm cùng lúc 5 loại giun sán nguy hiểm do có thói quen ăn rau sống.
Cụ thể, theo chia sẻ của người bệnh, cứ 5 ngày người bệnh lại ăn rau sống một lần. Khoảng 2 tháng gần đây, người bệnh mệt mỏi, ăn kém, đau đầu, sút 8kg. Người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khám.
Tại Khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa của Bệnh viện, sau khi được thực hiện các kiểm tra lâm sàng; chụp CT ngực có viêm phổi. Xét nghiệm công thức máu có tăng bạch cầu ái toan. Xét nghiệm ký sinh trùng, phát hiện dương tính với sán lá gan lớn, sán dây chó, giun lươn, giun đũa chó mèo, sán máng.
Người bệnh được chẩn đoán: Viêm phổi – Tăng bạch cầu ái toan – Nhiễm nhiều loại kí sinh trùng – Viêm dạ dày – Viêm gan. Được điều trị kháng sinh, chống viêm, thuốc điều trị giun sán, bổ gan.
Sau 8 ngày điều trị tình trạng viêm phổi được cải thiện, người bệnh ổn định, được xuất viện. Tuy nhiên người bệnh phải duy trì dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, hẹn tái khám để theo dõi và điều trị giun sán.
Bác sỹ Trần Văn Sơn, Khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, khi ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể mà không được phát hiện và điều trị kịp thời, chúng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Những biến chứng này bao gồm viêm đường mật cấp tính, áp xe gan, viêm túi mật, tụ máu dưới bao gan…Biến chứng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Theo bác sỹ Sơn, ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường: tiêu thụ thực phẩm chưa chế biến kỹ, uống nước lã, ăn rau sống, hoặc bị côn trùng đốt như muỗi, rệp…
Thậm chí, việc tiếp xúc với vật chủ trung gian truyền bệnh như chó, mèo, chim cũng có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, bác sỹ Trần Văn Sơn khuyến cáo người dân nên thực hiện những biện pháp sau ăn chín, uống sôi; đảm bảo thực phẩm được nấu chín và nước uống được đun sôi trước khi sử dụng. Tránh ăn uống tại các quán vỉa hè hoặc hàng rong không đảm bảo vệ sinh.
Hạn chế tiêu thụ các loại gỏi, rau sống, cá, thịt tái hoặc thịt chua không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không sử dụng thức ăn đã ôi thiu.
Rửa tay sạch sẽ sau khi chơi với vật nuôi hoặc tiếp xúc với các khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh. Đảm bảo vệ sinh đúng cách sau khi sử dụng nhà vệ sinh và không sử dụng phân tươi để bón cây. Phân cần được ủ mục trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân, cắt móng tay gọn gàng, không cho trẻ thói quen ngậm tay và rửa tay sạch trước khi ăn.
Vệ sinh môi trường sống: Loại bỏ phân của thú cưng ngay lập tức để ngăn ngừa sự phát triển của trứng ký sinh trùng. Đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ, khô ráo để tránh thu hút côn trùng. Tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm giun sán
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) luôn xem Việt Nam là một vùng dịch tễ của sán lá gan lớn. Các điều tra dịch tễ cũng cho thấy, bệnh sán lá gan thường gặp ở 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam với ước tính hơn một triệu người nhiễm bệnh. Riêng bệnh sán lá gan lớn gặp ở 53/63 tỉnh, thành phố và những năm gần đây ghi nhận khoảng 10-15 nghìn ca bệnh/năm.
TS.Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho hay, thói quen ăn thịt lợn tái, bò tái, tiết canh, gỏi cá, rau thủy sinh… là nguyên nhân chính gây ra các bệnh ký sinh trùng. Hầu hết người dân có triệu chứng, đi khám bệnh mới được phát hiện.
Theo thống kê tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, năm 2023, đơn vị đã tiếp nhận thăm khám, điều trị cho 15.527 người nhiễm giun đũa chó mèo. Nhiều người từng được chẩn đoán u, ung thư não, gan, phổi nhưng nguyên nhân chính xác là ổ áp-xe ấu trùng giun, sán.
Qua số liệu trên lãnh đạo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng- Côn trùng khuyến cáo, để phòng nhiễm sán, đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân cần ăn chín, không ăn đồ tái sống; giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh; vệ sinh tay đúng cách, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Với người nuôi thú cưng, cần tẩy sạch giun cho vật nuôi và đặc biệt là quản lý tốt phân từ chúng, bởi đây là nguồn chứa trứng giun đũa. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, người nuôi rất dễ nhiễm trứng giun.
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh sán chó như ôm ấp, vuốt ve chó nhiễm sán, ăn thực phẩm chứa ấu trùng hay trứng sán, tiếp xúc với nguồn đất mà chó nhiễm bệnh phóng uế,…
Bất cứ ai đều có khả năng nhiễm ấu trùng sán dây chó do ăn uống các loại thực phẩm bị nhiễm trứng sán dây chó hoặc người sau khi có tiếp xúc trực tiếp với chó, cáo, chồn nhiễm bệnh.
Do đó, các chuyên gia lưu ý, người dân từng sống trong vùng dịch tễ có bệnh lưu hành, ăn các món ăn có nguy cơ nhiễm ấu trùng của Echinococcus cùng với các biểu hiện nghi ngờ như sốt nhẹ, mệt mỏi, ăn kém, vàng da, mẩn ngứa, đau ngực, khó thở, ho dai dẳng, đôi khi ho máu cần đi khám ngay để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị