Nguy cơ ngập sâu ở các đô thị vùng ĐBSCL

Nguy cơ ngập sâu ở các đô thị vùng ĐBSCL

MTĐT –  Thứ hai, 24/10/2022 14:59 (GMT+7)

Nước biển dâng, sụt lún, thiếu không gian cho nước lan tỏa… sẽ làm nhiều đô thị tại ĐBSCL ngày càng ngập nặng.

Giữa tháng 10-2022, tại các đô thị ở ĐBSCL như: TP Cần Thơ, TP Vĩnh Long (Vĩnh Long), TP Ngã Bảy (Hậu Giang)… ngập rất nặng. Ở TP Cần Thơ, mực nước trên sông Hậu tại trạm Cần Thơ đạt mức lịch sử là 2,27 m khi đo vào 19 giờ ngày 12-10, vượt mốc năm 2019 (2,25 m).

Sẽ còn ngập dài dài

Trong nội ô, hàng loạt tuyến đường ngập nặng, nước tràn vào nhà dân, cửa hàng, quán xá, bệnh viện… Để bảo đảm an toàn, học sinh toàn thành phố phải nghỉ học.

Nguy cơ ngập sâu ở các đô thị vùng ĐBSCL - Ảnh 1.
Nội đô TP Cần Thơ ngập nặng trong đợt triều cường có mực nước lịch sử 2,27 m

Lý giải về tình trạng ngập nặng tại TP Cần Thơ vừa qua, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cho biết mực nước thực đo ở Cần Thơ là tổng của 3 thành phần gồm: thủy triều, nước lũ sông Mê Kông từ thượng nguồn chảy về và nước mưa nội vùng. Thủy triều biển Đông dao động theo chu kỳ ngày, tháng và năm. Trong 1 ngày có 2 lần nước lớn, nước ròng; trong 1 tháng có 2 lần nước rong là rằm và 30 hằng tháng âm lịch, mỗi đợt khoảng 4-5 ngày. Trong các ngày nước rong thì giờ nước lớn có mực nước cao nhất. Trong 1 năm âm lịch thì nước rong từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau là cao nhất. “Chỉ riêng nước rong thì không đủ để làm ngập Cần Thơ. Do đó, Cần Thơ chỉ rủi ro ngập vào tháng 8 đến tháng 9 âm lịch khi có thêm nước lũ Mê Kông về góp thêm vào và có mưa nội vùng. Vì vậy, nội ô TP Cần Thơ mỗi năm ngập 3 hoặc 4 lần, mỗi lần từ 3-4 ngày, mỗi ngày 2 lần theo giờ nước lớn” – thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện phân tích.

Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, nếu như năm 2007, mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ đo được là 2,03 m thì đến các năm 2011, 2018, 2019, mực nước đo được lần lượt là 2,15 m, 2,23 m và 2,25 m; riêng trong năm nay là 2,27 m. Mực nước cao nhất qua các năm thì năm sau cao hơn năm trước và trong tương lai sẽ có nhiều “mực nước lịch sử” diễn ra.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho rằng năm nay mực nước tại Cần Thơ đạt mốc lịch sử là do nước biển dâng, sụt lún và nước nhiều từ thượng nguồn. “Tuy nhiên, theo nghiên cứu thì nước từ thượng nguồn không làm ảnh hưởng lớn đến việc ngập, nó chỉ làm gia tăng mực nước. Trước đây rất nhiều năm, mực nước cao nhất ở Cần Thơ dưới 2,15 m, chỉ từ năm 2011 đến nay có nhiều năm vượt khỏi 2,15 m. Đặc biệt như năm nay là 2,27 m, trong tương lai, chuyện này còn lặp lại dài dài và khả năng mực nước còn tăng” – ông Vinh nhấn mạnh.

Cần giải pháp căn cơ

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng trước mắt, để ứng phó với việc ngập sâu ở TP Cần Thơ thì có thể nghĩ tới việc nâng cấp các tuyến đường trọng yếu trong thành phố. Tuy nhiên, cách này cũng không ổn thỏa vì nâng đường thì nhà ngập, nâng nhà thì đường ngập nên cuộc đua không có đích đến. Ngoài ra, có thể làm đê bao xung quanh Cần Thơ để đóng lại khi thủy triều dâng cao. Cách này thì hiệu quả nhanh nhưng cũng có nhiều hệ lụy là dễ gây tù đọng, ô nhiễm và gia tăng ngập cho vùng ngoài đê.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh lưu ý việc nâng cấp các tuyến đường lên cao không phải là giải pháp căn cơ mà vấn đề là phải chống lún như cách làm của Hà Lan. “Hà Lan xây đê xung quanh, bên trong người ta đào đường thủy để cho nước chảy rồi dẫn nước đến chỗ nào đó và bơm ra, chứ nâng đường lên cao không phải giải pháp lâu dài” – ông Vinh nói.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện đề xuất về lâu dài có 2 chuyện căn cơ cần giải quyết trên bình diện đồng bằng: Thứ nhất, giảm sử dụng nước ngầm để giảm tốc độ sụt lún. Mà muốn giảm sử dụng nước ngầm thì phải có nguồn nước khác thay thế, vậy phải phục hồi sông ngòi để có thể sử dụng được như cách đây vài chục năm. Muốn phục hồi sông ngòi thì phải kiểm soát ô nhiễm và cải cách nền nông nghiệp theo hướng giảm thâm canh, giảm phân bón và thuốc trừ sâu, giảm công trình cản trở dòng chảy để sông ngòi thông thoáng. Thứ hai, tái tạo không gian cho nước lan tỏa. Cụ thể là giảm vụ lúa thu đông trong mùa lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười để cho nước tràn đồng, đồng ruộng hấp thu bớt nước lũ. Một mặt thì nước lũ rửa sạch đồng ruộng, mang vào phù sa, tôm cá; một mặt là cất bớt nước lũ vào thì giảm ngập cho đô thị. “Các định hướng này đều đã có trong những chính sách mới cho ĐBSCL, cụ thể là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển ĐBSCL theo hướng xanh, bền vững; Nghị quyết 120 về tôn trọng quy luật tự nhiên, chuyển hướng nền nông nghiệp từ lượng sang chất và Quy hoạch tích hợp ĐBSCL mà Chính phủ đã công bố năm nay. Thực hiện cho được các chính sách này mới giải quyết căn cơ chuyện ngập, sụt lún ĐBSCL và đô thị” – ông Thiện nhấn mạnh.

Đỉnh triều sẽ xuất hiện trong 3 ngày

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, từ ngày 21-10, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu Nam Bộ lên nhanh theo kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch. Mực nước cao nhất ngày 22-10 tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu là 2,1 m (trên báo động III 0,1 m), trạm Mỹ Thuận trên sông Tiền là 2 m (trên báo động III 0,2 m). Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện từ ngày 25 đến 27-10 và tại trạm Cần Thơ sẽ ở mức từ 2,2 – 2,25 m (cao hơn báo động III từ 0,2 – 0,25 m). Mức độ rủi ro thiên tai vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu ở mức báo động II. Đây là đợt triều cường cao trong năm, cần đề phòng ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven biển.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích