Nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn trực chờ cần được đề phòng từ xa

Theo các chuyên gia những năm gần đây, thực phẩm phong phú về chủng loại và đa dạng về mẫu mã lưu thông rộng rãi trên thị trường. Trong đó, một số sản phẩm thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.

Đồng thời, chủ động phối hợp trong xây dựng quy định, chính sách pháp luật và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Kiểm nghiệm thực phẩm đưa ra kết quả chính xác sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm.

“Hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được đầu tư. Tuy nhiên, trang thiết bị hiện đại vẫn chủ yếu tập trung tại tuyến trung ương.

Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đang tích cực nâng cao năng lực kiểm nghiệm đối với tuyến địa phương thông qua cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, từng bước đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên môn…”, Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại sự kiện.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, khoa học kiểm nghiệm thực phẩm là một chuyên ngành đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ và hiệu quả từ phát triển nguồn nhân lực chuyên môn sâu đến xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc tiên tiến và hiện đại.

Hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được chú trọng đầu tư, nhờ đó đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của ngành kiểm nghiệm thực phẩm.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND cao điểm truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2025.

Theo đó, mục đích của đợt cao điểm truyền thông này nhằm tạo chuyển biến thực chất trong nhận thức và hành động của các chủ thể, bao gồm: Người tiêu dùng, người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó chú trọng khơi dậy và phát huy cao độ ý thức về quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân được sử dụng thực phẩm an toàn, được bảo vệ sức khỏe; quyền của người tiêu dùng thực phẩm, đồng thời là khách hàng, là thị trường có vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Cùng với đó, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, trong đó, an ninh, an toàn thực phẩm được đề cao, trở thành yêu cầu thường trực, bắt buộc; kiên trì đấu tranh trên mặt trận truyền thông với mọi đối tượng, mọi hành vi gây mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, gây nguy cơ dịch bệnh, tổn hại đến sức khỏe cộng đồng.

“Truyền thông liên tục, thường xuyên, định kỳ, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, truyền tải các thông điệp hữu ích, dễ nhớ, dễ làm, dễ lan tỏa trong cuộc sống. Mặt khác, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, kết hợp các loại hình thông tin truyền thống và hiện đại, chú trọng các loại hình truyền thông mới, tối đa hóa tiếp cận các đối tượng thụ hưởng thông tin”, UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Ngoài hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí của thành phố, đợt cao điểm này còn đẩy mạnh tuyên truyền trên trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Bên cạnh đó, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, tăng cường lồng ghép tuyên truyền các nội dung về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhấn mạnh nhóm quyền “lựa chọn” để phát tín hiệu thị trường, cảnh báo cộng đồng, đấu tranh, lên án các chủ thể vi phạm pháp luật, tẩy chay sản phẩm thực phẩm vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về vệ sinh, an toàn…

Thanh Hiền (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích