Nguy cơ gây ô nhiễm biển sau sự cố tràn dầu ở Philipines

Nguy cơ gây ô nhiễm biển sau sự cố tràn dầu ở Philipines

MTĐT –  Thứ sáu, 03/03/2023 11:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 2/3, nhà chức trách Philippines cho biết đang chạy đua với thời gian nhằm xác định vị trí tàu Princess Empress và ngăn dầu loang, sau khi con tàu chở dầu này bị chìm dẫn đến rò rỉ một lượng dầu nhiên liệu công nghiệp ra biển.

Hôm 28/2 vừa qua, khi đang chở 800.000 lít dầu nhiên liệu công nghiệp từ tỉnh Bataan (gần thủ đô Manila) đến tỉnh Iloilo ở miền Trung Philippines, tàu Princess Empress đã gặp vấn đề về động cơ và bị chìm ngoài khơi tỉnh Oriental Mindoro do biển động.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ban đầu cho biết lượng dầu tràn trên biển là diesel – dầu nhiên liệu giúp tàu chạy, chứ không phải dầu nhiên liệu công nghiệp mà tàu chở. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra mẫu nước sau đó cho thấy một lượng dầu nhiên liệu công nghiệp đã bị rò rỉ ra vùng biển ngoài khơi thành phố Naujan, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài sinh vật biển và rạn san hô trong khu vực.

tm-img-alt
Vết dầu diesel trên mặt biển do vụ chìm tàu chở dầu MT Princess Empress. Ảnh: PCG

Hiện chưa rõ lượng dầu diesel và dầu nhiên liệu công nghiệp bị tràn ra biển là bao nhiêu.

Tỉnh trưởng tỉnh Oriental Mindoro, ông Humerlito Dolor cho hay nhà chức trách đang nỗ lực xác định vị trí tàu chìm và ngăn không để tàu rò rỉ. Ước tính, tàu đang nằm ở độ sâu 460m dưới mực nước biển.

6 giờ sáng ngày 1/3 theo giờ địa phương, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) cho biết động cơ diesel cung cấp năng lượng cho con tàu này đã để lại một vết tràn dầu dài ít nhất 6 km và rộng 4 km ở vùng biển xung quanh. Các thùng dầu công nghiệp vẫn chưa được xác nhận rò rỉ hay chưa.

Tuy nhiên tới 2/3, PCG tiếp tục xác nhận rằng một số thùng dầu công nghiệp trên tàu MT Princess Empress đã bắt đầu rò rỉ, gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường biển xung quanh. Ít nhất 4 thị trấn ven biển ở Oriental Mindoro, với một số thị trấn nổi tiếng với các bãi biển trong xanh và cát trắng, đã ghi nhận các vệt dầu trên bờ biển.

tm-img-alt
Bờ biển của 4 thị trấn gần nơi xảy ra sự cố đã ghi nhận các dấu vết của dầu. Ảnh: PCG

Theo các mẫu nước mà PCG thu thập được, vết dầu xuất hiện với màu đen, đặc và có mùi nồng nặc. Ngoài ra, Straits Times trích dẫn chỉ thị của Bộ Môi trường và Tài nguyên Philippines (DENR) cho biết, nếu không ngăn chặn được sự cố tràn dầu, 21 khu vực biển được bảo vệ tại địa phương có thể bị tổn hại. Các khu vực đang gặp nguy cơ tiềm ẩn này bao gồm thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các con đường phát tán ấu trùng cá sinh sản.

Trên hết, các nhóm hoạt động bảo vệ môi trường cũng như người dân còn cảm thấy lo ngại về việc dầu diesel từ động cơ và dầu công nghiệp sẽ tràn tới Verde Island Passage – một eo biển ngăn cách đảo lớn Luzon của đất nước với Oriental Mindoro, và nối Biển Đông với Vịnh Tayabas và Biển Sibuyan. Điều này đặc biệt gây lo ngại do eo biển rộng 1,14 triệu ha này rất giàu đa dạng sinh học biển và cung cấp lương thực cũng như sinh kế cho hơn 2 triệu người.

Trong bối cảnh đó, ông Cha Edwin Gariguez, người chịu trách nhiệm cho chiến dịch Protect Verde Island Passage cho biết: “Chúng tôi đang kêu gọi chính phủ đẩy nhanh các hoạt động dọn dẹp để giảm thiểu thiệt hại và cho phép những người dân phụ thuộc vào sự phong phú của biển nơi đây tiếp tục các hoạt động bình thường của mình”.

tm-img-alt
Hình ảnh mẫu nước thu thập được ở khu vực xảy ra sự cố tràn dầu của tàu MT Princess Empress. Ảnh: PCG

Để ứng phó với sự cố này, Bộ Môi trường và Tài nguyên Philippines đã thành lập một tổ đặc nhiệm với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines và Không quân Philippines và bắt đầu các nhiệm vụ của mình sáng 2/3.

Theo lực lượng bảo vệ bờ biển, lượng dầu tràn đã loang ra khu vực có diện tích 24 km2. Lực lượng này đã triển khai hệ thống chống tràn và phun hóa chất để khử dầu trên mặt nước. Tuy nhiên, theo quan chức phụ trách ứng phó thảm họa của tỉnh Oriental Mindoro, vết dầu đã lan ra khu vực dài 60 km ở vùng biển nằm giữa thành phố Naujan và Bongabong.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích