Ngưỡng ấm lên toàn cầu có thể vượt 1,5 độ C trong 7 năm tới
Ngưỡng ấm lên toàn cầu có thể vượt 1,5 độ C trong 7 năm tới
Các nhà khoa học ngày 5/12 cảnh báo rằng, thế giới có thể vượt qua ngưỡng ấm lên toàn cầu cực kỳ quan trọng 1,5 độ C chỉ trong 7 năm nữa.
Các nhà khoa học ngày 5/12 cảnh báo rằng, thế giới có thể vượt qua ngưỡng ấm lên toàn cầu cực kỳ quan trọng 1,5 độ C chỉ trong 7 năm nữa, khi lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng; đồng thời kêu gọi lãnh đạo các nước đang tham gia Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) hành động ngay để giải quyết vấn đề ô nhiễm liên quan đến than, dầu và khí đốt.
Có rất nhiều ý kiến thảo luận về tương lai của nhiên liệu hóa thạch được các nhà hoạch định chính sách nêu ra tại Hội nghị COP28. Các nước gây ô nhiễm lớn hiện vẫn đang cố gắng thực hiện những lời kêu gọi để đạt được một thỏa thuận loại bỏ dần nguồn năng lượng sử dụng nhiều carbon – nguyên nhân chủ yếu gây ra phát thải khí nhà kính.
Theo các số liệu trong bản báo cáo thường niên của Dự án Carbon toàn cầu, ô nhiễm CO2 do nhiên liệu hóa thạch đã tăng 1,1% trong năm ngoái, với lượng khí thải tăng mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ – hai nước phát thải lớn thứ nhất và thứ ba trên thế giới.
Dự án Carbon toàn cầu đánh giá, có 50% khả năng sự ấm lên toàn cầu sẽ vượt quá ngưỡng 1,5 độ C trong thỏa thuận Paris vào khoảng năm 2030, mặc dù các nhà khoa học khí hậu không dám chắc về những chất ngoài CO2 gây ra hiện tượng ấm lên do khí nhà kính
Tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia Pierre Friedlingstein thuộc Viện Hệ thống Toàn cầu của Đại học Exeter cho biết: “Vấn đề ngày càng trở nên cấp bách hơn. Thời gian từ bây giờ đến ngưỡng tăng 1,5 độ C đang rút ngắn đáng kể, vì vậy để giữ cơ hội duy trì nhiệt độ dưới 1,5 độ C hoặc rất gần 1,5 độ C thì chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ”.
Thỏa thuận Paris mang tính bước ngoặt năm 2015 cho thấy các quốc gia cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và tốt nhất là 1,5 độ C.
Kể từ đó, mục tiêu 1,5 độ C đầy tham vọng hơn đã trở nên cấp bách hơn khi có bằng chứng cho thấy sự ấm lên toàn cầu nếu vượt quá mức này có thể gây ra các điểm tới hạn nguy hiểm và không thể đảo ngược.
Để duy trì giới hạn đó, Hội đồng Khoa học Khí hậu IPCC của Liên Hợp Quốc cho biết lượng khí thải CO2 cần phải giảm một nửa trong thập kỷ này. Dự án Carbon toàn cầu nhận thấy điều đó đang trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn khi lượng khí thải tiếp tục tăng.
Theo ông Glen Peters, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Quốc tế CICERO cho biết lượng khí thải carbon dioxide (CO2) hiện cao hơn 6% so với thời điểm các nước ký thỏa thuận Paris.
Theo ông Peters, có những tiến triển đầy hứa hẹn đối với việc sử dụng năng lượng tái tạo. Tại các cuộc họp về khí hậu ở Dubai, hơn 100 quốc gia đã tán thành kế hoạch tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào 2030.
Mặc dù vậy, ông Peters lưu ý: “Điện gió, năng lượng Mặt trời, việc đầu tư cho xe điện, sản xuất pin… tất cả đều đang phát triển nhanh chóng, điều này thật tuyệt vời. Nhưng đó mới chỉ là một nửa câu chuyện. Nửa còn lại là giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. Và đơn giản là chúng ta làm chưa đủ”.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Dữ liệu Khoa học Hệ thống Trái đất, hành tinh của chúng ta hiện đã ấm lên khoảng 1,2 độ C, gây ra những đợt nắng nóng dữ dội, cháy rừng, lũ lụt và bão.
Nhiệt độ năm nay đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử được ghi nhận. Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết, nhiệt độ vào tháng 10/2023 đã cao hơn mức cơ bản của thời kỳ tiền công nghiệp khoảng 1,4 độ C.
Tuy nhiên, việc vượt quá ngưỡng 1,5 độ C trong một năm đơn lẻ sẽ không vi phạm thỏa thuận Paris, bởi ngưỡng này được đo lường trong nhiều thập kỷ.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị