Nguồn thu gặp khó, Kon Tum kiến nghị cho phép thủy điện phát tối đa công suất

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, dân số trên 568.780 người (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 53%); địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông suối và các hồ; quy mô kinh tế còn nhỏ (nguồn thu ngân sách địa phương đạt khoảng 1/3 tổng chi ngân sách); sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm trên địa bàn tỉnh còn yếu, tăng trưởng thấp; giá cả một số mặt hàng chủ lực của tỉnh không ổn định.

Với lợi thế về địa hình, tỉnh Kon Tum có hệ thống sông suối chằng chịt, nên rất thuận lợi để phát triển các công trình thủy điện, đây là lĩnh vực đột phá để tỉnh Kon Tum phát triển tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.

01-7-2023 Thuy dien vua va nho
Một số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh Kon Tum. 

Tính đến nay, các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động với tổng công suất khoảng 2.745 MW, gồm: 28 thủy điện vừa và nhỏ (343MW), 02 thủy điện lớn trong tỉnh (320MW), các dự án liên tỉnh Kon Tum – Gia Lai (1.511MW), Kon Tum – Quảng Ngãi (211MW), Thủy điện Ia Ly mở rộng (360MW) đang thi công.

Tổng nguồn thu ngân sách tỉnh từ các dự án thủy điện trên địa bàn thực hiện năm 2022 đạt khoảng 1.309 tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng nguồn thu ngân sách địa phương.

Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nguồn thu ngân sách tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, tổng các nguồn thu nội địa thực hiện 7 tháng đầu năm chỉ đạt 54,9% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 38,5 dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Uớc thực hiện cả năm ước đạt khoảng 93,3% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 65,5% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Mặc dù trong năm 2023, địa bàn tỉnh Kon Tum mưa nhiều, có điều kiện thuận lợi để huy động tối đa công suất từ các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên nếu không được sự hỗ trợ từ Bộ Công thương và ngành điện trong việc huy động công suất thì dự kiến tổng nguồn thu từ các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đạt khoảng 1.060 tỷ đồng, thấp hơn dự toán thu năm 2022 khoảng 250 tỷ đồng.

Nhà máy Thủy điện Sông Đà 3 – Đak Lô. Ảnh Songda3daklo.
Nhà máy Thủy điện Sông Đà 3 – Đak Lô. Ảnh Songda3daklo.

Từ thực trạng trên, để huy động tối đa nguồn thu ngân sách tỉnh, đảm bảo đạt chỉ tiêu theo dự toán được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Trong bối cảnh tình hình cả nước đang thiếu điện như hiện nay, để đảm bảo tối ưu hóa cho thiết bị và tránh lãng phí tài nguyên nước và thuận lợi trong công tác vận hành, đảm bảo hiệu quả kinh tế phát điện góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công thương xem xét hỗ trợ và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho phép các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh được thực hiện một số cơ chế đặc thù trong năm 2023.

Cụ thể, cho phép các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Kon Tum được phát tối đa công suất theo khả năng thiết kế và nguồn nước cho phép (được phát công suất vượt quy định theo hợp đồng mua bán điện đã ký, giấy phép hoạt động điện lực và giấy phép khai thác sử dụng nước mặt được cấp).

Được phép phát lớn hơn điện lượng trung bình năm (E0) được phê duyệt. Phần giá trị phát dư sẽ được tính toán để nộp bổ sung tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước vào đầu năm tài chính tiếp theo.

Đối với các nhà máy đã phát vượt công suất trong năm 2023, được thanh toán sản lượng phát vượt đã huy động, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, cho người lao động trong doanh nghiệp và đồng thời để thực hiện các khoản nghĩa vụ thuế, phí với ngân sách nhà nước theo quy định.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích