Nguồn nhân lực số, điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp hội nhập thành công

Làm việc trong môi trường số

Ông Nguyễn Xuân, Giám đốc Công ty nội thất Trường Xuân ở Thạch Thất cho biết: Công ty ông nhận gia công đồ gỗ cho các đối tác nước ngoài theo đơn đặt hàng. Để kịp tiến độ, ông phải triển khai sản xuất ở nhiều xưởng, trong điều kiện giãn cách xã hội, các hoạt động quản lý điều hành, kinh doanh, sản xuất đều được tiến hành từ xa thông qua mạng internet. Để có thể đáp ứng được các yêu cầu theo đơn đặt hàng, ông phải trang bị hệ thống Smart Room với các camera kết nối từ các xưởng tới phòng điều hành và liên thông với nước ngoài.

Những người thợ ngoài kỹ năng đứng máy, tạo hình, đánh bóng hoàn thiện sản phẩm còn phải có kỹ năng kết nối, giao tiếp online để trực tiếp nhận thông tin từ quản lý, xử lý kịp thời những yêu cầu phát sinh của khách hàng. Nhờ đó mà dẫn giãn cách xã hội nhưng doanh số bán hàng của ông vẫn tăng trưởng.

Theo các giáo sư công nghệ ở Đại học Đại học Massachusetts (Mỹ) thì chuyển đổi số với doanh nghiệp được định nghĩa là quá trình nhằm cải thiện quy trình quản lý bằng cách tạo ra những thay đổi để tối ưu với các thao tác thông qua sự kết hợp của công nghệ thông tin, máy tính, truyền thông và kết nối.

Từ định nghĩa này, có thể thấy, quá trình chuyển đổi số là sự kết hợp của nhiều yếu tố công nghệ để hỗ trợ con người đưa ra quyết định đúng đắn, sử dụng chung dữ liệu có sẵn, tối giản thao tác nhằm đem lại lợi ích cho tổ chức, doanh nghiệp. Công nghệ không thể thay thế hoàn toàn con người, nếu công nghệ ngày càng tân tiến, con người càng cần có đủ năng lực để kiểm soát và sử dụng. Nếu con người không đủ khả năng thích ứng với công nghệ mới thì công nghệ mới cũng trở nên vô dụng.

Với các doanh nghiệp, hoạt động quản lý điều hành, kinh doanh, sản xuất,… đều có thể được tiến hành từ xa thông qua mạng internet mà vẫn đảm bảo được hiệu suất công việc cao, muốn vậy, nhân lực phải nắm bắt được công nghệ số. Những người lao động không đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu về công nghệ thông tin sẽ là đối tượng bị đào thải đầu tiên. Điều này dẫn đến tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng, cùng với đó là sự khan hiếm về nhân lực chất lượng cao, có khả năng điều hành và sử dụng công nghệ một cách thành thạo.

Đây cũng là thực trạng nan giải không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước phát triển trong quá trình chuyển đổi số.

Thương mại điện tử trên môi trường số

Đại dịch Covid -19 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài là nguy cơ cho nền kinh tế nhưng “trong nguy có cơ” và “trong cơ có nguy”. Việc hạn chế giao tiếp đã khiến cho các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư phải làm quen với việc mua sắm online và các sàn giao dịch điện tử. Các sàn thương mại điện tử chuyên nghiệp như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều tập trung tạo ra những giá trị bổ sung, hướng đến khách hàng để thu hút và giữ chân họ trên nền tảng, ứng dụng.

Cùng với đó, nhiều hộ kinh doanh truyền thống, đối tượng tưởng như dễ bị bỏ lại phía sau cũng hăng hái tham gia các giao dịch điện tử thông qua những phiên “Chợ đêm trên mây” do Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chức. Qua 6 phiên giao dịch đã và đang cho thấy hiệu quả tích cực trong việc kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền.

Đến hẹn lại lên, tối thứ 6 những tuần gần đây, cô Phan Vân – Công ty Cp Sữa Con bò vàng- Ba Vì, lại tham gia bán hàng trực tuyến tại “Chợ đêm trên mây” do Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chức. Thông qua các phiên chợ, cô đã nhận được nhiền đơn hàng mua đơn lẻ hoặc mua Combo các sản phẩm của Cty như: Sữa chua, sữa nếp cẩm, Nha đam, Bánh sữa…

Tương tự, anh Nguyễn Văn Cường, Chủ nhiệm Hợp tác xã Mật ong Cường Nga ở huyện miền núi Hương Sơn, Hà Tĩnh cũng thông qua việc tham gia Chợ đêm trên mây đã nhận được nhiều đơn hàng từ các sản phẩm mật ong được xử lý theo công nghệ chuẩn của thế giới.

Được tổ chức tại Hà Nội, nhưng “Chợ đêm trên mây” lan toả đến nhiều chủ thể sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa phương khác. Với điều kiện sản phẩm được chào bán giới thiệu là sản phẩm Ocop có chứng chỉ xuất xứ. Không chỉ anh Cường ở Hương Sơn như đã nói ở trên, chị Lưu Thị Hòa- Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ, huyện Đồng Văn, Hà Giang cho biết, chị đã có cơ hội tham gia 2 phiên “Chợ đêm trên mây” không chỉ tiêu thụ được sản phẩm của chị mà còn có thể mua được nhiều sản phẩm từ các đối tác khác.

Qua 2 phiên chợ, Hợp tác xã Po Mỷ đã tiếp nhận khoảng 40 đơn hàng với 1.000 chiếc bánh chưng đặc sản của cao nguyên đá Đồng Văn. “Không chỉ việc tiêu thụ nông sản, thực phẩm được đẩy mạnh, “Chợ đêm trên mây” còn giúp hợp tác xã được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn…”- chị Hòa chia sẻ.

Bên cạnh các chủ thể sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ những phiên “Chợ đêm trên mây”. Ngoài yếu tố chất lượng được đảm bảo dưới sự giám sát của các sở ngành chức năng, người dân có thể được tiếp cận sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất khiến “mua lẻ còn rẻ hơn mua buôn” mà không phải thông qua các cấp trung gian. Việc thanh toán cũng rất tiện lợi nhờ dịch vụ Smart Banking và nhiều hình thức thanh toán trực tuyến khác. Với việc phát triển dịch vụ vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng, thương mại điện tử trên môi trường khiến nhà sản xuất có thể kết nối trực tiếp với người tiêu dùng rất tiện lợi.

Đào tạo nguồn nhân lực trong quá trình chuyển đổi số

Điều đáng nói ở đây là những đơn vị, cá nhân tham gia sàn thương mại điện tử “Chợ đêm trên mây” có rất nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, không nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường số nhưng thông qua việc mạnh dạn tham gia những phiên chợ, họ có thể học tập lẫn nhau cách thức chào hàng, bán hàng và cả thanh toán không dùng tiền mặt.

Cũng bằng hình thức trực tuyến, Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN đã tổ chức nhiều phiên đào tạo Live streem giới thiệu sản phẩm, cách làm các Clip ngắn chào hàng, giới thiệu sản phẩm và phát triển thương hiệu. Điều đáng nói là những hoạt động đào tạo online như Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN vẫn chưa được lan tỏa một cách mạnh mẽ, đồng đều do sự khác biệt về mặt nhận thức trong các tầng lớp dân cư, hơn thế là giữa các vùng miền.

Bài học từ đại dịch cho thấy, chuyển đổi số đã đem lại lợi ích lớn trong tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu đứt gãy thị trường trong điều kiện giãn cách xã hội. Cũng bằng hình thức phát triển thương mại điện tử mà việc chuyển đổi số đã đem lại lợi ích về số lượng việc làm cho các cơ sở sản xuất nhờ sản phẩm vẫn được tiêu thụ qua các kênh online.

Thông qua thương mại điện tử như đã nói ở trên đã tạo ra sự liên kết giữa các ngành nghề không giới hạn về thời gian, khoảng cách địa lý. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần phải có một đội ngũ nhân sự lành nghề có thể hoạt động trong môi số.

Không chỉ trong thương mại mà cả sản xuất, các doanh nghiệp đã có một lực lượng nhân sự thích ứng làm việc trong môi trường số nhưng đó mới chỉ là bắt đầu. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, để hội nhập thành công, các DN cần đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nhân sự, đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối, hơn thế là đào tạo đội ngũ nhân lực làm việc trong môi trường số không chỉ thạo việc mà còn phải tăng cường khả năng sáng tạo để sẵn sàng nắm bắt tốt những tiến bộ của khoa học công nghệ. Doanh nghiệp cũng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhân lực có thể tiếp cận thông tin, giáo dục, hỗ trợ về tài chính để họ có thể phát triển bản thân theo yêu cầu của từng vị trí công việc.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích