Nguồn lực hỗ trợ phải thực sự đi vào hoạt động của doanh nghiệp
Nguồn lực hỗ trợ phải thực sự đi vào hoạt động của doanh nghiệp
Thảo luận ở tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, năm 2023 tăng trưởng GDP đạt 5,05%, dù không đạt mục tiêu 6,5% đề ra nhưng là nỗ lực rất lớn của đất nước trong bối cảnh một số quốc gia trên thế giới và trong khu vực ghi nhận tăng trưởng âm. Bên cạnh những điểm sáng đạt được, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đánh giá cụ thể hơn tác động của tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư của tư nhân trong nước năm vừa qua; làm rõ nguyên nhân và có giải pháp ứng phó trong thời gian tới, quan tâm đến tính bền vững cho các động lực tăng trưởng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, từ nay đến cuối năm 2024 cần các kịch bản phù hợp, đánh giá để có chỉ đạo linh hoạt; đổi mới, cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, rà soát đánh giá kết quả thực hiện; đồng thời đề ra giải pháp cụ thể triển khai các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển kinh tế tư nhân; đánh giá sự phát triển của kinh tế tư nhân đã trúng, đúng chưa; định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển vùng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng đầu tư tư nhân đang “yếu dần” qua các năm, chỉ tăng 4,2% năm 2024. Do đó, cần mạnh mẽ kích cầu sản xuất trong nước, trước hết là thông qua chính sách tài khóa như thuế, đang còn dư địa rất lớn từ nợ công, để kích thích, mở rộng sản xuất. Thực tế, thời gian qua, doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số giải thể, phá sản, ngừng hoạt động cũng tăng rất cao khiến nguồn lực đưa vào nền kinh tế chậm và yếu đi. Số vốn thành lập của một doanh nghiệp giảm dần.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu: Các chính sách thực thi chưa hiệu quả, thủ tục rất “nhiêu khê”, mất nhiều thời gian; cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thủ tục phải đơn giản hơn, nguồn lực dành cho hỗ trợ phải thực sự đi vào hoạt động của doanh nghiệp mới khuyến khích sự thành lập, lôi kéo nguồn lực xã hội vào đầu tư.
Đề cập đến câu chuyện giá vé máy bay tăng cao thời gian qua, các đại biểu cho rằng, cần có các biện pháp để điều chỉnh bởi giá vé máy bay ảnh hưởng tiêu cực, làm giảm nhu cầu đi lại, giảm số lượng khách du lịch. Việc này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của người dân trong các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn…
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đặc biệt là yếu tố cạnh tranh, chi phí bảo trì ở nước ngoài rất cao, thiếu sự hợp tác giữa hàng không và du lịch. Đại biểu đề xuất, cần có gói hỗ trợ cho ngành hàng không – du lịch để giảm giá như hỗ trợ phí dịch vụ tại sân bay, đầu tư cho các trung tâm bảo dưỡng máy bay ở Việt Nam.
Từng bước đáp ứng nguyện vọng của cử tri
Thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung, giám sát tối cao nói riêng đã được triển khai hiệu quả, được cử tri và nhân dân đánh giá cao, từ đó gỡ khó về cơ chế, hoàn thiện chính sách pháp luật.
Từ thực tiễn tham gia công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri có thể thấy, vẫn còn một số tồn tại như: Việc tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật đôi khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Trong quá trình giám sát, việc đánh giá kết quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh của các cơ quan có thẩm quyền nhiều khi còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chịu sự giám sát; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của Quốc hội về giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả giám sát chưa cao…
Các đại biểu đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn thiện phương thức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời đề nghị nên bổ sung quy định về hình thức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thông qua hình thức phản hồi của cử tri về kết quả giải quyết đó, tức là quy định cụ thể về việc lấy ý kiến của cử tri về những vấn đề mà họ kiến nghị có được cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định pháp luật hay không.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu rõ, việc Quốc hội dành thời lượng nhất định để thảo luận chính thức nội dung này ở nghị trường từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV là một việc rất đúng, rất hợp lòng dân. Điều này một nữa khẳng định Quốc hội không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, từng ý kiến, kiến nghị của cử tri được xem xét giải quyết một cách thấu đáo; đồng thời, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Quốc hội cũng đánh giá cao kết quả trả lời giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ và một số Bộ, ngành. Qua các kỳ họp, việc trả lời giải quyết kiến nghị cử tri đã dần đi vào nề nếp, được Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng trả lời, giải quyết, từng bước đáp ứng được nguyện vọng của cử tri; đồng thời đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cần rà soát và có giải pháp quyết liệt để hoàn thành giải quyết trong thời gian sớm, đồng thời phải bảo đảm chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri, đặc biệt là xác định công việc, lộ trình giải quyết đối với 43 kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết.
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu