Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ – ngày diệt sâu bọ
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ – ngày diệt sâu bọ
Tết Đoan Ngọ được người Việt quen gọi với tên Tết nửa năm, Tết diệt sâu bọ, được diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm.
Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương, được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. “Đoan” có nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ tức là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất.
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã là “Tết giết sâu bọ”. Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Theo truyền thuyết kể lại, một ngày sau khi thu hoạch, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Mọi người đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5) năm nay nhằm vào thứ Năm ngày 22 tháng 6 Dương lịch.
Tùy theo từng địa phương mà ngày Tết Đoan Ngọ sẽ được dâng lễ theo cách khác nhau. Tuy nhiên, nhiều địa phương thì mâm cúng vào ngày này là mâm cúng chay, còn ở một số địa phương có cúng thêm thịt vịt.
Rượu nếp, nếp cẩm là thứ không thể thiếu vào ngày Tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm của nhiều người, bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại, chúng thường nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng tiêu diệt được.
Chỉ vào ngày 5 tháng 5 Âm lịch, các loại ký sinh này thường ngoi lên, chúng ta mới có thể tận dụng để loại bỏ chúng bằng cách ăn những thức ăn có vị chua, cay, chát, trong đó nổi bật nhất là rượu nếp hay nếp cẩm. Đặc biệt, nếu thưởng thức món rượu này vào buổi sáng, ngay khi thức dậy thì càng hiệu nghiệm.
Vào ngày này, các gia đình cũng sẽ chuẩn bị lễ vật để dâng hương lên tổ tiên, thần linh. Mọi người sẽ ăn cơm rượu, bánh ú cùng quả mận, quả vải,… khi mới ngủ dậy để “diệt sâu bọ”.
Bánh tro là loại bánh có màu vàng đậm, được làm từ gạo nếp ngâm cùng với nước tro của các loại cây khô, sau đó gói trong lá chuối rồi đem luộc.
Chè trôi nước là món ăn không thể thiếu vào ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Nam. Những viên chè làm từ bột nếp, bên trong có nhân đậu xanh, ăn kèm với nước cốt dừa có vị man mát, thơm ngon.
Chè kê cũng là món ăn đặc trưng của người Huế mỗi dịp Tết Đoan Ngọ. Sau khi xay hạt kê và loại bỏ lớp vỏ, người ta ngâm rồi đun sôi cho đến khi nở mềm, sền sệt rồi thêm nước đường cùng chút gừng là đã được một nồi chè kê thơm phức, vô cùng hấp dẫn rồi.
Bên cạnh đó, lễ cúng Tết Đoan Ngọ người dân còn gửi gắm hy vọng vào mùa vụ sau sẽ tươi tốt, mầm bệnh bị tiêu diệt, cây trái sinh sôi nảy nở, cùng mong ước con người luôn mạnh khỏe, không bệnh tật.
Tết Đoan Ngọ với ý nghĩa cầu mong mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi không bị sâu bọ phá hoại. Đồng thời đó là lời cầu ước mong về sức khỏe tốt, gia đình bình an. Lâu dần, đây đã trở thành văn hóa tín ngưỡng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị