Người “vác tù và hàng tổng” ở vùng giáo Quỳnh Lưu – Nghệ An: (Kỳ cuối) Người góp sức xây dựng xứ đạo bình yên

Người “vác tù và hàng tổng” ở vùng giáo Quỳnh Lưu – Nghệ An: (Kỳ cuối) Người góp sức xây dựng xứ đạo bình yên

Để có được thành công như Giáo xứ Phú Xuân (xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) là sự đóng góp không biết mệt mỏi của “người vác tù và hàng tổng” – Xóm trưởng Trần Văn Thể.

Giáo xứ Phú Xuân (xã Quỳnh Tam,
huyện Quỳnh Lưu) có 517 hộ và 2.398 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ gần 30% số hộ của
toàn xã), nằm trên địa bàn xóm 3B và xóm 4, có đường Quốc lộ 48A chảy qua. Giáo
xứ gồm có 4 giáo họ, trong đó 3 giáo họ thuộc sự quản lý hành chính của xã Quỳnh
Tam. Nơi đây, từng là “điểm nóng” về an ninh, trật tự và tệ nạn xã hội, nhưng từ
khi xây dựng mô hình “Giáo xứ bình yên” thì tình hình phức tạp giảm rõ rệt, góp
phần xây dựng vùng đồng bào Công giáo an toàn về an ninh, trật tự, đẩy lùi các
tệ nạn xã hội. Thành công đó có sự đóng góp không biết mệt mỏi của “người vác
tù và hàng tổng” – Xóm trưởng Trần Văn Thể.

Ông Trần Văn Thể sinh năm 1962, từng
là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Tam (11 năm), 7 năm làm Xóm trưởng xóm 4,
là xóm giáo toàn tòng thuộc hai Giáo họ Quang Tịnh và Phú Quang (Giáo xứ Phú
Xuân) với 376 hộ và 1.878 nhân khẩu. Ấn tượng đầu
tiên khi gặp gỡ “người vác tù và” này là sự cởi mở, chân tình và đầy nhiệt huyết.

Trò chuyện với chúng tôi, ông kể, từ
những năm 2019 trở về trước, xã Quỳnh Tam được biết đến là điểm nóng về an
ninh, trật tự của huyện Quỳnh Lưu, tình hình tội phạm trên địa bàn có nhiều diễn
biến phức tạp, trộm cắp tài sản, lô đề, cờ bạc, đặc biệt là tệ nạn sử dụng ma
túy diễn ra thường xuyên. Trong đó một số con em Giáo xứ Phú Xuân bị một số đối
tượng xấu đã lôi kéo, rủ rê trộm cắp vặt cũng như mắc các tệ nạn xã hội. Thêm nữa,
tình trạng nhiều con em trên địa bàn làm nghề lái xe đường dài, sau mỗi chuyến
xe thường tụ tập bạn bè uống rượu và dẫn tới những vụ xô xát.

Nhận thấy tình hình đó, chính quyền
xã đã phối hợp với linh mục quản xứ, Hội đồng mục vụ giáo xứ và các giáo họ tổ
chức nhiều cuộc họp, bàn giải pháp. Xác định để đẩy lùi được các tệ nạn xã hội
và phòng, chống tội phạm trên địa bàn thì phải từng bước khắc phục được các
nguyên nhân. Do vậy, năm 2019, mô hình “Giáo xứ bình yên” ra đời đã thu hút sự
tham gia của đông đảo bà con giáo dân của Giáo xứ Phú Xuân.

Ông Trần Văn Thể (áo trắng) đang cùng với công an xã hướng dẫn cho bà con làm căn cước công dân.

Để triển khai xây dựng mô
hình “Giáo xứ bình yên”, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của MTTQ và Công an
huyện, Đảng ủy, chính quyền xã đã giao cho MTTQ xã phối hợp ban Công an xã cùng
với Hội đồng mục vụ giáo xứ xây dựng kế hoạch, trong đó quy định rõ các tiêu
chí đảm bảo đạt chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”. Đồng thời, chỉ đạo 2 xóm
(xóm 3B và xóm 4) xây dựng 23 Tổ liên gia tự quản và tổ chức ký cam kết “Tổ
liên gia tự quản an toàn về an ninh trật tự”; phối hợp với linh mục, Hội đồng mục
vụ giáo xứ, giáo họ tuyên truyền và vận động người dân chấp hành nghiêm chính
sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức cho các hộ dân ký cam kết thực hiện các
tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự” của mô hình.

Lúc triển khai xây dựng mô
hình “Giáo xứ bình yên”, ông Trần Văn Thể đang làm Phó Chủ tịch Ủy ban
MTTQ xã kiêm Xóm trưởng xóm 4 và sau đó làm Phó Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ,
đây là khoảng thời gian ông gắn bó với dân, hiểu dân và cũng hết lòng tận tụy với
công việc cộng đồng giáo xứ, giáo họ và vì người dân. Dù với những đồng phụ
cấp ít ỏi, nhưng với ông Thể, chỉ cần được làm việc, gần gũi chia sẻ với bà con
trong thôn và cùng nhau đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng xứ đạo bình yên đã là
niềm vui, niềm hạnh phúc.

Ông tâm niệm: Đoàn kết là sức mạnh, chỉ có đoàn kết mới
đẩy lùi các tệ nạn xã hội và giúp đời sống bà con phát triển, đi lên. Để từng
bước xây dựng và duy trì cộng đồng dân cư đoàn kết, bảo đảm trật tự an toàn xã
hội, tuân thủ tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ông Thể luôn
“miệng nói, tay làm”, làm việc gì cũng hết tâm sức của mình và ông giáo dục
anh em, con cháu trong nhà phải gương mẫu trong mọi việc, nhờ vậy, mà ông đã
chiếm trọn sự tin tưởng, quý trọng của bà con trong xóm.

“Để bà con trong xóm đồng thuận và
hưởng ứng tham gia xây dựng mô hình “Giáo xứ bình yên”, lúc đó tôi cùng với các
vị trong Ban công tác Mặt trận thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” chuyện trò,
chia sẻ, vận động người dân, phân tích để bà con hiểu lợi ích của xây dựng mô
hình “Giáo xứ bình yên”; đồng thời, tuyên truyền bà con giáo dân trong xóm
thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
luôn sống và làm việc với tinh thần “Tốt đời, đẹp đạo”, ông Thể cho biết.

Nói đến câu chuyện xây dựng mô
hình, ông Lê Đình Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Tam cho biết, quá trình
thực hiện mô hình “Giáo xứ bình yên” đã tạo được sự đồng thuận của đông đảo bà
con giáo dân, đặc biệt là Linh mục Quản xứ Phú Xuân. MTTQ và Ban Công an xã phối
hợp với cùng với Xóm trưởng, Trưởng ban công tác Mặt trận của 2 xóm thường
xuyên gặp gỡ linh mục quản xứ, Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ để trao đổi về tình
hình an ninh, trật tự và tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, bóng đá, bóng
chuyền… tạo nên mối quan hệ đoàn kết, cùng phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của
địa phương. Khi con em trong giáo xứ có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ phối
hợp để có biện pháp răn đe, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Nhờ vậy, từ năm 2019
đến nay, tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn có nhiều chuyển biến
tích cực, an ninh trật tự đảm bảo, tệ nạn xã hội cơ bản được đẩy lùi, bà con
Giáo xứ Phú Xuân nói chung, xóm 4 nói riêng đã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và
hiệu quả của việc xây dựng mô hình “Giáo xứ bình yên” gắn với phong trào
“Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, mang lại đời sống bình yên cho người
dân.

Từ mô hình “Giáo xứ bình yên”,
cùng với việc thành lập 23 Tổ liên gia tự quản đã tập hợp, huy động được giáo
dân tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng giáo xứ không có tệ nạn
xã hội, thực hiện nếp sống văn minh. Mỗi người dân trở thành “tai, mắt” tố giác
tội phạm, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, làm trong sạch địa bàn.

Trong vòng 3 năm
gần đây, bà con giáo dân đã cung cấp cho lực lượng chức năng 20 nguồn tin có
giá trị, giúp lực lượng chức năng phối hợp bắt 3 vụ 3 đối tượng liên quan đến
mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy; 01 vụ tàng trữ hàng cấm (pháo nổ); 2
vụ trộm cắp tài sản; 01 vụ 5 đối tượng liên quan đến đánh bạc… ngoài ra còn
giúp lực lượng công an xử lý kịp thời nhiều vụ việc mâu thuẫn trong lứa tuổi
thanh niên.

Hỏi về những khó
khăn lúc bắt tay vào thực hiện xây dựng mô hình, ông bồi hồi chia sẻ: “Thời điểm
mô hình mới ra đời, mà đây là mô hình đầu tiên của huyện Quỳnh Lưu triển khai
xây dựng ở vùng bà con Công giáo, kinh nghiệm để học hỏi chưa có, anh em cán bộ
xóm cũng như chính quyền địa phương rất lo lắng vì sợ kết quả đạt được không
như người dân kỳ vọng. Tuy nhiên, với mục đích chính là xây dựng môi trường sống
tốt nhất, an toàn nhất để bà con yên tâm sản xuất, đó cũng chính là nguyện vọng
của người dân mong muốn nên được bà con giáo dân hưởng ứng ủng hộ. Hiểu được điều
đó, tôi và anh em cán bộ 2 xóm nhiều lần trao đổi, tham mưu cho chính quyền, Mặt
trận và công an xã nhiều giải pháp, cách làm thiết thực và mang lại hiệu quả
cao; đó là phải coi trọng việc xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa các hộ gia
đình trong cộng đồng dân cư, giữa linh mục và Hội đồng mục vụ với chính quyền;
đề cao và phát huy tốt vai trò của những người uy tín tiêu biểu trong bà con
giáo dân vì họ là những người trực tiếp với dân, tiếng nói của họ được dân nghe
theo. Khi đó, dù có việc gì khó thì cũng dễ dàng giải quyết”.

Nhờ hiệu quả của mô hình “Giáo xứ
bình yên” mà xã Quỳnh Tam đã đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, cũng như tạo
được sự gắn kết mật thiết giữa linh mục, Hội đồng mục vụ giáo xứ và chính quyền
địa phương, góp phần quan trọng để xã Quỳnh Tam về đích nông thôn mới năm 2018
và dự kiến đạt nông thôn mới nâng cao năm 2025. Có được kết quả đó, là có sự
đóng góp công sức của bà con giáo dân giáo xứ Phú Xuân nói chung và những người
làm cán bộ xóm như ông Thể.

Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm
nhà thờ giáo xứ, ông chỉ cho chúng tôi những con đường nội thôn đã được đổ bê
tông bằng phẳng, rộng rãi, có những tuyến đường đã được mở rộng 8m, ông vui vẻ
kể lại những tháng ngày cùng chính quyền tuyên truyền, vận động người dân chung
tay góp sức, góp công, góp của cải, tiền bạc để xóa bỏ các tuyến đường đất lầy
lội, chật hẹp, mở ra một diện mạo mới khởi sắc cho vùng quê nơi đây. Ông chia sẻ, mới đầu, tôi cũng gặp nhiều khó
khăn, vì bà con nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp trong khi đất đai cằn cỗi
nên thu nhập rất thấp, trong khi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất hạn chế, người
dân còn trông chờ nhiều vào Nhà nước chứ chưa thực sự vào cuộc.

Ông Thể tiếp
chuyện: “Khi đó với tư cách là xóm trưởng, mình nghĩ “Nói phải đi đôi với làm”,
mà muốn bà con làm theo thì gia đình mình và những người thân của mình phải làm
trước; nên tôi đã bàn bạc với Chi bộ, Ban công tác Mặt trận lấy cán bộ làm
gương, cán bộ nói là làm, cán bộ đi đầu, dẫn hướng để “làng nước theo sau” và
xác định “Dễ làm trước, khó làm sau; việc cần ít tiền làm trước và việc cần nhiều
tiền làm sau”…

Để khích lệ tinh thần của bà con, các gia đình cán bộ
trong xóm đã tình nguyện hiến đất, tường bao và ủng hộ kinh phí trước. Ngoài
ra, cán bộ xóm cũng chính là những người xông xáo trong mọi việc từ vận động,
hướng dẫn Tổ liên gia đóng góp ngày công, của cải vật chất để mở đường, đến việc
hạch toán, minh bạch các khoản thu – chi. Khi tuyến đường đầu tiên được hình
thành, bà con thấy rõ được lợi ích khi được đi trên những con đường sạch sẽ, bằng
phẳng nên nhiều người hồ hởi đóng góp kinh phí, ủng hộ hiến đất, các loại cây cối
có giá trị để nâng cấp, mở rộng đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng nông
thôn tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp.

Trong 5 năm qua, bà con thôn 4 đã hiến
120m2 đất ở, đóng góp 565 triệu đồng, trên 1.200 ngày công, làm được trên 1,4km
đường bê tông; cải tạo nâng cấp nhà văn hóa xóm và làm sân thể thao với kinh
phí hơn 420 triệu đồng. Đồng thời, hưởng ứng phong trào “Đường thông, hè
thoáng, xóm làng văn minh” và “Đường cờ, đường điện đại đoàn kết” của Ủy ban
MTTQ huyện Quỳnh Lưu, bà con xóm 4 nói riêng và bà con giáo xứ Phú Xuân nói
chung đã đóng góp hơn 537 triệu đồng để làm 438 cột cờ gắn với hệ thống đường
điện chiếu sáng dài 5.250m. Ngoài ra còn trồng các tuyến đường hoa, cây xanh. Định
kỳ hàng tuần, hàng tháng Ban công tác Mặt trận xóm phối hợp với Hội đồng mục vụ
giáo họ tổ chức các hoạt động “ Ngày thứ 7 vì nông thôn mới”, Ngày “chủ nhật
xanh”.

Đặc biệt, Linh mục quản xứ đã đồng
hành cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ tuyên truyền, động viên giáo dân đóng góp
tiền của, công sức xây nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở.
Trong 2 năm qua đã xây dựng được 4 nhà, trong đó nguồn từ giáo xứ ủng hộ trên 100
triệu đồng. Hưởng ứng Thư kêu gọi của MTTQ các cấp, Ban công tác Mặt trận đã phối
hợp Hội đồng mục vụ giáo xứ phát động tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người
nghèo”, Tết vì người nghèo, “ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt”, ủng hộ “phòng
chống dịch bệnh Covid-19” với tổng số tiền trên 120 triệu đồng.

Cùng nhau tâm sự, sẻ chia qua chén
nước chè xanh và những câu chuyện với ông đã dần giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về
con người, về những gì mà ông đã, đang và sẽ làm. Với hơn 20 năm gắn bó với người
dân qua việc làng, việc xóm, ông Thể luôn thấm nhuần đạo lý của đạo và đời, ông
lấy đoàn kết làm mục tiêu, động lực để làm việc, lấy sự bình yên và niềm vui, hạnh
phúc của người dân làm niềm vui, hạnh phúc của mình.

Ông Trần Văn Quang, Chủ
tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Phú Xuân đánh giá: “Ông Thể dù ở trọng trách nào
cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt ông là hạt nhân đoàn kết, phối hợp tốt với
linh mục, Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ để đưa thôn 4 nói riêng, giáo xứ nói
chung ngày càng giàu mạnh, văn minh và người dân hôm nay có cuộc sống bình
yên”.


thể thấy, ở mỗi xứ đạo trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, các Trưởng thôn, Trưởng
ban công tác Mặt trận đều có những cách làm sáng tạo riêng để đưa các chỉ thị,
nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con giáo
dân. Từ đó cùng nhau lan tỏa, nhân lên những mô hình hay, hiệu quả, góp phần
xây dựng quê hương Quỳnh Lưu văn minh, giàu đẹp – Họ chính là những “Hạt nhân
đoàn kết ở vùng giáo”.

–> (Kỳ 1) Cán bộ Mặt trận tận tụy việc làng, tận lực vì dân

–> (Kỳ 2) Trưởng thôn “thắp lửa” phong trào vùng giáo

Bạn cũng có thể thích