Người thương binh học tập và làm theo lời Bác
“Tàn nhưng không phế”
Tạm gác lại công việc để tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại thôn Đan Nhiễm (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội), người cựu chiến binh già vừa nhâm nhi ngụm trà nóng, vừa kể lại câu chuyện về cuộc đời mình. Ông Mói cho biết, ông sinh năm 1955. Sinh ra và lớn lên tại thôn Đan Nhiễm, tháng 4/1974, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị bộ binh Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 320, Quân khu 8, đóng quân tại Mỹ Tho – Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu. Trong trận đánh ngày 25/4/1975, giặc điên cuồng ném bom oanh tạc căn cứ hậu cần Quân khu và bệnh viện tỉnh Mỹ Tho. Ông còn nhớ như in, tại trận đánh này, nhiều đồng chí, đồng đội của ông đã hi sinh, còn ông bị thương và mất một chân.
Cựu chiến binh Lê Xuân Mói đang trò chuyện với phóng viên. Ảnh: P.T |
Vượt qua nỗi đau thể xác, ông tiếp tục ở lại chiến trường chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, rồi tập kết ra Bắc. Tháng 10/1977, xuất ngũ trở về địa phương với thương tật hạng 3/4, bệnh binh mất sức lao động 81%, ông tham gia công tác ở Tổ thương binh – hưu trí thôn. Với khoản trợ cấp không nhiều, lại phải nuôi 5 người con, trong đó có một người con bị nhiễm chất độc da cam, ông Mói đã nỗ lực vươn lên, chứng minh nghị lực, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, của “người thương binh tàn nhưng không phế”.
Trước bộn bề những khó khăn, thiếu thốn của gia đình, quê hương trong nền kinh tế bao cấp, ông luôn trăn trở làm thế nào để mưu sinh. Nhận thấy, thôn Đan Nhiễm có nghề đan lát những sản phẩm bằng tre, nứa nhưng việc tiêu thụ rất khó khăn, ông đã mạnh dạn cùng một số người trong Tổ thương binh – hưu trí liên kết với Hợp tác xã mua bán huyện Thường Tín đứng ra mở tài khoản, nhận bao tiêu sản phẩm bán cho các nhà máy như Rượu – Bia Hải Hà, phích nước Rạng Đông, Mỳ Hải Châu… Ngôi nhà ông trở thành địa điểm thu gom sản phẩm và ông trực tiếp chuyển cho các nhà máy, nhận tiền, chi trả đầy đủ, chính xác cho từng hộ dân, giúp bà con trong thôn và gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định vượt qua những năm tháng khó khăn.
Năm 1990, Chi hội Cựu chiến binh thôn Đan Nhiễm thành lập. Ông Lê Xuân Mói được bầu giữ chức Chi hội phó. Ông luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc, được bà con nhân dân và chính quyền tin tưởng. Năm 2011, ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Khánh Hà và trở thành Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Đan Nhiễm. Là người đứng đầu Chi hội có số hội viên đông nhất xã, lại ở phân tán, trong khi Ban Chấp hành Chi hội chỉ có vài người, ông Mói đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí. Chính vì vậy mọi kế hoạch, phong trào thi đua của Hội Cựu chiến binh xã, các nhiệm vụ chính trị của địa phương luôn được triển khai kịp thời và tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng thời gian, đạt kết quả cao nhất.
Vẹn nghĩa tình đồng đội
Bản thân là một cựu chiến binh, ông Mói thấu hiểu những khó khăn, vất vả của hội viên, vì thế ông chú trọng việc chỉ đạo, thực hiện phong trào thi đua “nghĩa tình đồng đội”, “giúp nhau giảm nghèo”. Ông tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, mở rộng sản xuất, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, ông luôn quan tâm xây dựng Quỹ “giúp nhau giảm nghèo”, nhất là việc sử dụng vốn vay có hiệu quả. Nhờ vậy, đời sống gia đình hội viên được nâng lên, tình cảm đồng chí, đồng đội ngày càng gắn bó khăng khít.
Đặc biệt, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Mói cùng Ban Chấp hành Chi hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình. Tháng 5/2016, thôn Đan Nhiễm được đầu tư làm con đường giữa làng có chiều dài 145m và rộng 2,5m. Ông Mói cùng Ban Vận động của xóm đã đến từng hộ dân để tuyên truyền, giải thích, nhờ đó bà con đã nhiệt tình tham gia đóng góp số tiền 100 triệu đồng. Đặc biệt, qua vận động gia đình ông Lê Văn Cận và Lê Văn Hải đã phá gần 10m tường rào để con đường thông được thẳng và rộng, thuận tiện hơn cho việc đi lại của nhân dân.
Theo ông Mói, dân vận chính là vận động bằng cái tâm. Người đi vận động chỉ vì mục đích chung, không được xen vào cái lợi cá nhân và phải làm sao để người được vận động thấy rõ lợi ích của họ trong đó. Chỉ như thế họ mới đồng tình và tự nguyện. “Dân vận là một công tác quan trọng của Đảng. Vì vậy, người làm công tác dân vận phải bằng cái tâm, tiến hành “dân vận khéo” để người dân hiểu, đồng tình và tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, ông Mói tâm sự.
Hiện nay, dù không còn tham gia công tác Hội nhưng ông vẫn luôn gương mẫu trong mọi công việc, được bà con lối xóm tin tưởng, yêu mến.
Ngoài ra, là nạn nhân chất độc da cam, ông Mói cũng tham gia Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thường Tín, thường xuyên liên lạc và hỗ trợ các đồng đội cũ trong đời sống hằng ngày, cho dù bản thân ông và gia đình cũng còn không ít khó khăn. Vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, Ngày Giải phóng miền Nam, Ngày thành lập Quân đội nhân dân, Tết Nguyên Đán… ông Mói lại cùng một số thành viên của xã Khánh Hà đi vận động ủng hộ để có những suất quà tặng nạn nhân chất độc da cam trong xã.
Với tinh thần trách nhiệm, uy tín cao cùng phẩm chất, ý chí của người cựu chiến binh – Bộ đội Cụ Hồ, ông Lê Xuân Mói đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín tặng Giấy khen, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng Bằng khen “Người tốt, việc tốt” năm 2017, Giấy khen về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Dẫu vậy, khi được hỏi, ông Mói vẫn chỉ khiêm tốn: “Tôi không giỏi đâu, đừng có khen tôi…”./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô