Người “tạo hồn” cho đàn guitar truyền thống nơi phố biển
Nâng niu cây đàn guitar, gảy nhẹ một khúc nhạc, ông Lưu Hoàng Quý (72 tuổi) chậm rãi kể về cái duyên của mình nghề. Ông sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, đến năm 1954 thì chuyển vào Nha Trang sinh sống. Cơ duyên đến với cái nghề của ông bắt đầu vào năm 1980, khi làm việc tại xưởng gỗ xuất khẩu Điện Biên, tình cờ thấy cây đàn guitar thùng bị đứt dây, ông Quý liền nảy ra ý định gỡ đàn thành từng mảnh chi tiết để xem làm đàn có khó không.
Sau đó, ông liền thử mày mò chế tạo cây đàn theo mẫu. Lần đầu tiên hoàn thành được cây đàn, ông rất xúc động, dù cây đàn đó còn thô sơ và âm thanh không tốt, nhưng ông biết rằng bản thân mình có thể chế tác đàn thủ công một cách hoàn chỉnh nếu có kỹ năng chuyên môn tốt. Từ đó, ông Quý bắt đầu con đường học hỏi và tạo được thành công, giới văn nghệ sĩ Nha Trang thường gọi ông với biệt danh “Quý đàn”.
Ở độ tuổi xế chiều, ông Quý vẫn miệt mài giữ lửa nghề. (Ảnh: Hương Thảo) |
Theo ông Quý, để làm một cây đàn như ý thì tất cả các công đoạn làm đàn đều đòi hỏi công phu. Thông thường, phải mất khoảng 1 tuần thì mới hoàn thành được sản phẩm.
“Một cây đàn đạt tiêu chuẩn phải có chất lượng gỗ tốt. Tôi thường sử dụng gỗ bằng lăng, hồng đào, cẩm lai… để chế tác. Làm được một cây đàn đẹp từ âm thanh đến hình thức đòi hỏi sự tỉ mỉ, tài hoa và phải là người hiểu về guitar mới theo nghề được”, ông Quý nói.
Cây đàn guitar khổng lồ trưng bày tại Làng nghề Trường Sơn được làm từ đôi tay tài hoa của ông Quý. (Ảnh: Hương Thảo) |
Thế nhưng, câu chuyện đằng sau việc giữ nghề, nối nghề truyền thống lại là câu chuyện đáng quan tâm hơn hết, bởi sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng thay đổi nên nghề chế tác đàn guitar thủ công bị mai một, ông Quý là người thợ cuối cùng còn thực hiện công việc này.
Đứng trước sự thay đổi của dòng chảy thời gian, ông Quý vẫn giữ trái tim yêu nghề mãnh liệt. Việc ông đồng ý đến Làng nghề Trường Sơn mở xưởng chế tác đã góp phần quảng bá giới thiệu nghề truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước, thắp lên hy vọng có người nối gót ông duy trì công việc này.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần nghĩ nhiều hơn đến sinh kế cho những người “níu giữ các nghề thủ công truyền thống”. Việc cần làm hiện tại là tăng cường giữ gìn và phát triển các làng nghề bằng nhiều chính sách, đến việc truyền nghề, nâng cao tay nghề cho thế hệ trẻ, để cùng nhau giữ lửa nghề, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương.
Nguồn: Báo lao động thủ đô