Người phụ nữ tàn tật với tấm lòng bồ tát luôn kêu gọi giúp đỡ người khác
Tiệm may nhỏ mưu sinh và làm thiện nguyện nằm ven đồi của chị Trang
Vượt qua khiếm khuyết cơ thể
Đó là đóa hoa đẹp Nguyễn Thị Thùy Trang (47 tuổi, ngụ tổ 2 thôn Nam Yên, xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Chào đời được vài tháng, chị Trang mắc phải chứng bệnh teo cơ, nên chân trái dần teo tóp nhỏ lại, cơ thể bị khuyết tật từ đó. Có lẽ vì vậy mà khi đến tuổi trưởng thành, chị không lập gia đình.
Năm 30 tuổi, chị quyết tâm phải đi đò từ quê núi theo dòng sông Cu Đê, xuống phố học cho bằng được nghề thợ may. Học thành thạo nghề may được hơn 2 năm, từ sự trợ giúp của gia đình, bạn bè, bà con chòm xóm, họ hàng và bằng nghị lực vượt khó vươn lên, chị đã lập tiệm may nhỏ tại quê nhà. Nghề may đã đem lại cho chị động lực, niềm vui và giúp chị trang trải cuộc sống hàng ngày.
Một sự cố đáng nhớ trong đời của chị là khi em dâu sinh non đứa con gái chỉ 1,6 kg. Khi đó, chị lội sông vượt suối, xuống tận bệnh viện chăm sóc rồi xin ôm bé về nuôi dưỡng, cho đến nay bé đã bước sang tuổi 15.
Tiệm may nhỏ ven đường rừng này đã làm nên cơm, áo, gạo, tiền để hai mẹ con chị đủ trang trải cuộc sống. Ngoài ra, chị Trang còn gom góp tiền mua thêm bò về chăn nuôi, làm phụ thêm đủ nghề, được họ hàng, bà con chòm xóm và chính quyền sở tại động viên hỗ trợ.
Là phụ nữ từng trải với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn lại bị khuyết tật nên chị Trang luôn đồng cảm với những cảnh đời nghèo khó, nhất là người bệnh tật, hoạn nạn, ốm đau. Cũng vì thế mà chị tham gia tình nguyện trong mảng công tác xã hội tại địa phương với mong muốn đem yêu thương và sẻ chia nhiều hơn tới người khó khăn hơn mình. Hằng ngày chị dậy từ rất sớm, đến các hộ dân có điều kiện xin gạo về hỗ trợ cho các gia đình gặp ốm đau, hoạn nạn.
Hơn 20 năm qua, chị vẫn lăn xả cùng các tình nguyện viên đem yêu thương đến với mọi người. Có những gia đình còn lắm nghèo khó vì bệnh tật, đau ốm thường xuyên mà thùng gạo đã vơi đi, chị biết rõ nên đôn đáo, đốc thúc, vận động người thân, bạn bè, bà con làng xóm tiếp sức, hỗ trợ.
Đóa hoa ‘tàn nhưng không phế’
Cảm nhận rõ khiếm khuyết cơ thể ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống nên chị Trang luôn đau đáu với những hoàn cảnh đồng cảnh ngộ như mình, hễ có cơ hội làm việc thiện là chị luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào. Để có được các suất quà, bên cạnh việc đi vận động các tấm lòng hảo tâm, chị còn tham gia vận động trong Chi hội phụ nữ thôn Nam Yên nuôi heo đất tiết kiệm để làm việc thiện. Không chỉ đóng góp thiết thực vào việc xây dựng quỹ hỗ trợ người khó khăn, duy trì hoạt động nhân đạo thường xuyên, mà bằng tấm lòng và uy tín của mình, chị Trang còn nhen nhóm, thổi bùng lên “ngọn lửa” yêu thương trong nhiều người để kêu gọi tham gia quyên góp.
Không những tham gia công tác xã hội tại xã nhà, chị Trang còn cùng các tình nguyện viên tổ chức vận động hàng trăm phần quà, áo ấm, quần áo, sách vở, dày dép, đồ dùng học tập, kẹo bánh, nhu yếu phẩm… đến trực tiếp tặng cho học sinh và người dân tại các xã miền núi huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Trong nhiều năm qua, chị Trang tham gia làm tình nguyện viên cho các tổ chức xã hội, chị là cầu nối giữa các tấm lòng hảo tâm với nhiều hoàn cảnh bất hạnh, khốn khó tại địa phương và các nơi khác. Dù đi lại chậm chạp khó khăn, bệnh hay tái phát đau nhức, song khi được hỏi: “Làm thế nào để cân bằng giữa sức khoẻ, thời gian, công việc và làm thiện nguyện?”, chị Trang thổ lộ: “Đời tôi tàn nhưng không phế; làm được gì hoặc sẻ chia, hỗ trợ những người nghèo khó hơn mình, tôi đều làm. Mình còn sức khỏe, có được công việc làm hằng ngày, nên mong muốn góp chút sức mọn giúp đỡ họ, mỗi ngày dành dụm một ít, lâu thì sẽ được nhiều hơn…”.
Hơn 5 năm qua, chị còn tham gia vận động mô hình hũ gạo nghĩa tình. Đều đặn mỗi tuần, chị đạp xe cùng kêu gọi bà con làng xóm tích gạo giúp người khuyết tật, nghèo khó, mỗi tháng 2 lần/hũ gạo đầy. Sau đó chị và các tình nguyện viên lại trực tiếp đến gia đình các hộ nghèo trao tận tay cho họ.
Để kết thúc bài viết này, xin dành lời nhận xét đầy cảm kích, lời tri ân của chị Trần Thị Lắm – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, đối với chị Trang: “Tuy chị Trang đi lại không thuận tiện như người bình thường, nhưng hễ có ai không may gặp rủi ro trong cuộc sống thì nhờ chị đi kêu gọi, vận động giúp đỡ, chị đều nhiệt tình, năng nổ làm tốt và đạt hiệu quả, mang lại niềm vui cho nhiều người. Theo tôi, chị Trang là hình mẫu của gương sáng giữa đời thường, là đóa hoa đẹp giữa núi rừng Hòa Bắc quê hương”.
Nguồn: hoanhap.vn