Người mắc bệnh vảy nến có nên tiêm vaccine phòng COVID-19?
Người mắc bệnh vảy nến có nên tiêm vaccine phòng COVID-19?
Người mắc bệnh vảy nến có nên tiêm vaccine phòng COVID-19 hay không khi nhiều người mắc bệnh đang tỏ ra lo lắng khi lựa chọn việc tiêm phòng dịch.
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này tại nước ta, số ca nhiễm đã tăng mạnh. Công thức chống dịch hiện nay của Bộ Y tế là Vaccine + 5K hoàn toàn đúng đắn. Vaccine đang là cách hiệu quả nhất giúp loài người vượt qua đại dịch.
Chia sẻ về điều này, PGS.TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, chúng ta đang tiến hành một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay trên toàn bộ đất nước. Khi thực hiện điều này, chúng ta sẽ tiêm cho rất nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền bao gồm cả những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến.
“Chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho những người có nguy cơ và người dân nói chung hiện đang cho kết quả rất khả quan ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với người bệnh vảy nến nói riêng, được tiếp cận vaccine phòng ngừa COVID-19 rất cần thiết” – PGS.TS Lê Hữu Doanh cho biết.
Theo Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương, việc tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 cho người mắc bệnh vảy nến là rất cần thiết
PGS.TS Lê Hữu Doanh cho biết, khuyến cáo của Hội đồng Bệnh vảy nến quốc tế (IPC) cho thấy người mắc bệnh vảy nến khi tiêm vaccine Covid-19 cần lưu ý những điều sau:
– Những lưu ý chính đối với vaccine phòng COVID-19: Giống như đối với bất kỳ vaccine nào, cần tránh dùng vaccine sống làm giảm độc lực nếu đang dùng thuốc ức chế miễn dịch/điều hòa miễn dịch cho bệnh nhân và lưu ý rằng hiệu quả của việc tiêm phòng có thể bị suy giảm ở những người dùng thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
Hiện tại, các loại vaccine được sử dụng gần nhất ở quy mô dân số là loại dựa trên RNA (Pfizer/ BioNTech, Moderna) hoặc dựa trên virus thiếu khả năng sao chép (Oxford/AstraZeneca), đó không phải là vaccine sống giảm độc lực. Vì vậy bệnh nhân vảy nến dù đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch có thể tiêm vaccine phòng COVID-19.
– Bệnh nhân mắc bệnh vảy nến nếu không có chống chỉ định hoặc không bị dị ứng với thành phần vaccine sẽ được khuyến nghị tiêm một trong các loại vaccine phòng COVID-19 này càng sớm càng tốt dựa trên sự sẵn có tại địa phương và hướng dẫn của các cơ quan y tế công cộng địa phương .
Các thử nghiệm cho đến nay không bao gồm những người dùng thuốc ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và do đó tác dụng của vaccine đối với nhóm dân số cụ thể này sẽ cần được thiết lập, theo dõi.
Nhiều người bị bệnh vảy nến lo ngại về tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine đối với bệnh da của họ. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng cho thấy vaccine ảnh hưởng đến sự khởi phát hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến.
Điều quan trọng là tất cả bệnh nhân bị vảy nến phải được chăm sóc đầy đủ. Điều này bao gồm việc tiếp cận với vaccine phòng COVID-19.
Hiện không có bằng chứng cho thấy vaccine ảnh hưởng đến sự khởi phát hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến
Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, ước tính có khoảng 2 – 3% dân số thế giới mắc bệnh vảy nến. Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu điều tra chính xác nhưng theo ước tính có từ 1,5 – 2% dân số mắc bệnh vảy nến.
Căn bệnh này thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và nếu ở tuổi này thì thường có yếu tố gia đình với biểu hiện bệnh nặng hơn, kéo dài hơn. Tỷ lệ bệnh ở nam và nữ như nhau.
Cơ chế sinh bệnh vảy nến bao gồm yếu tố gen di truyền, rối loạn yếu tố miễn dịch, và các yếu tố từ môi trường. Yếu tố di truyền, nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khoảng 8% con bị bệnh, nếu cả bố và mẹ bị bệnh thì tới 41% con mắc bệnh. Các yếu tố khác như nhiễm khuẩn, chấn thương, thuốc, thức ăn.
Ngoài ra, các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn là các sang chấn như gãi, chà sát mạnh. Nhiễm trùng mà thường là nhiễm liên cầu. Các stress tâm lý , sử dụng thuốc corticosteroid, lithium, các thuốc chống sốt rét, interferon… có thể làm nặng bệnh. Rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên…
Bệnh vảy nến không gây chết người nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đây là một bệnh mạn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng cũng có nhiều trường hợp tái phát liên tục.
Do đó, việc điều trị cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh để có thể tìm ra phương pháp điều trị tối ưu, hiệu quả, ít tác dụng phụ và phù hợp với hoàn cảnh người bệnh về kinh tế, công việc và gia đình, xã hội.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn 9 đối tượng trì hoãn tiêm chủng (đối với vaccine AstraZeneca) gồm: người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19; tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước; người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; người trên 65 tuổi; người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.
Ngoài ra, có 4 đối tượng cần thận trọng tiêm chủng gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút; huyết áp tăng hoặt giảm, nhịp thở trên 25 lần/phút…) phải được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng trong bệnh. Đặc biệt, chống chỉ định với người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên tại lần tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vaccine.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ