Người lao động bị nợ BHXH sẽ được giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất
Trình bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Quốc hội giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trước ngày 1/7/2024.
Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 và số tiền 0,03%/ngày thu được theo quy định tại khoản 1 Điều 40 và khoản 1 Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người sử dụng lao động vẫn còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, thì thực hiện truy thu, truy đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, giao Chính phủ giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất cho người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: Quốc hội. |
Sáng 29/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với 454 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt 93,42%. Dự thảo Luật được thông qua gồm 11 chương, 141 điều, cùng 9 nhóm điểm mới.
Trong đó, về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong việc xử lý đối với doanh nghiệp đã vi phạm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc xử lý việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như thể hiện tại khoản 3 Điều 35 dự thảo Luật.
Theo Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được thông qua, biện pháp xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp gồm: Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng và số ngày chậm đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Còn Điều 41 quy định về biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp như sau: Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng và số ngày trốn đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2024 cũng quy định, khi phát hiện người sử dụng lao động chậm đóng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 của Luật này hoặc trốn đóng, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm kịp thời đôn đốc bằng văn bản.
Cơ quan bảo hiểm xã hội công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, gửi thông tin về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và cơ quan thanh tra có liên quan để xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Nguồn: Báo lao động thủ đô