Người lang thang, cơ nhỡ: Chúng tôi được ăn 3 bữa, có giường ngủ, còn được chăm sóc sức khỏe!
Từ huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đến Hà Nội kiếm sống, không có nơi ở ổn định, trong đợt thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách, bà Đỗ Thị Sở, 71 tuổi được bố trí nơi ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội (xã Dục Tú, huyện Đông Anh). Bà chia sẻ: “Cuộc sống ở quê nhà gặp khó khăn, nên tôi lên Hà Nội kiếm sống, nhưng cũng vất vả lắm. Từ ngày đến nơi ở mới (ngày 19/8 đến nay), tôi được ăn đủ mỗi ngày 3 bữa, có giường ngủ, còn được chăm sóc sức khỏe nữa”.
Không được bố trí nơi ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, xong anh Hoàng Văn Tuyên, thợ xây dựng tự do, quê ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cũng vô cùng ấm áp và xúc động khi được cơ quan chức năng huyện Hoài Đức bố trí nơi ăn chốn ở đúng lúc anh bị “mắc kẹt” tại Hà Nội vì dịch bệnh.
“Nhóm chúng tôi gồm 12 người, làm công nhân xây dựng, bị “mắc kẹt” lại Hà Nội. Khi không còn tiền để chi tiêu, không có nơi để ở, chúng tôi đã được các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức bố trí ăn ở miễn phí tại Trường mầm non xã Cát Quế. Chúng tôi rất xúc động, ấm lòng, nhớ mãi sự quan tâm này”, anh Tuyên bộc bạch.
Tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người lang thang được tiếp nhận vào Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội (Ảnh: M.Ngọc) |
Bà Sở, anh Tuyên là hai trong số nhiều trường hợp người lang thang, cơ nhỡ đã được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội chăm lo nơi ăn chốn ở trong thời gian gần đây.
Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội) Dương Tuyết Nhung cho biết, Hà Nội là địa bàn tập trung đông dân cư, trong đó có hàng triệu người từ nơi khác đến, nên đâu đó vẫn còn người lang thang. Tuy nhiên, nếu có, thì họ cũng đã được hỗ trợ bằng cách này hay cách khác, hoặc đó chỉ là cá biệt. Trên thực tế, hiện nay, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, chính quyền các địa phương và cộng đồng đã và đang cùng chung tay hỗ trợ các trường hợp khó khăn, nhất là với người yếu thế bằng nhiều hình thức, giải pháp, cố gắng không để ai phải lang thang, cơ nhỡ.
Điển hình, tại quận Hà Đông, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Đỗ Thị Minh Loan cho biết: “Ngay từ những ngày đầu tháng 8/2021, các lực lượng chức năng đã tiến hành rà soát các khu nhà trọ, công trình xây dựng, lập danh sách với tổng số hơn 13.000 người để có phương án hỗ trợ kịp thời. Với những trường hợp gặp khó khăn về nơi ở, chúng tôi đã vận động các hộ gia đình có phòng cho thuê giảm giá tiền thuê nhà cho người tạm trú; vận động các chủ công trình, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh bố trí nơi ở cho người ở xa…”.
Tương tự, huyện Hoài Đức cũng đã bố trí chỗ ở cho hơn 800 người không có nơi cư trú, giúp họ được an toàn trong đại dịch.
Tại Trung tâm Bảo Trợ xã hội I Hà Nội, theo Trưởng phòng Tiếp nhận, quản lý, giáo dục và dạy nghề Phùng Thị Hương, từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội (ngày 24/7 đến nay), Trung tâm đã tiếp nhận 39 người lang thang. Hiện tại, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời 69 trường hợp. Tất cả đều được chăm sóc chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe thể chất, tinh thần, cho đến việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Lao động ngoại tỉnh “mắc kẹt” tại Hà Nội được bố trí ở tạm tại Trường mầm non Cát Quế, huyện Hoài Đức. |
Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) cùng với nuôi dưỡng lâu dài hơn 300 người già, trẻ em lang thang không nơi nương tựa, đơn vị vừa tiếp nhận mới 17 trường hợp trong thời gian giãn cách xã hội. “Khi vào Trung tâm, họ được hưởng đầy đủ chế độ bảo trợ xã hội theo quy định. Nhờ đó, sức khỏe của các đối tượng chuyển biến tích cực”, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội Nguyễn Văn Bằng thông tin.
Đối với các trường hợp là người tâm thần lang thang được Thành phố đưa về chăm sóc, điều trị tại các bệnh viện tâm thần, trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần. Tại Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội (xã Thụy An, huyện Ba Vì), Phó Giám đốc phụ trách Nguyễn Đức Phong cho hay: “Chúng tôi vừa tiếp nhận 13 trường hợp vào đơn vị. Dù khó khăn, chúng tôi vẫn luôn cố gắng chăm sóc cho các đối tượng bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm”.
Trước đó, từ ngày 14/8, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2647/UBND-KGVX yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ” theo chỉ đạo của UBND Thành phố; linh hoạt, sáng tạo trong việc chăm lo, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn do Covid-19 không có nơi cư trú. Trong đó, UBND Thành phố yêu cầu các địa phương cần chủ động rà soát, bố trí nơi ở tạm thời để đưa người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn, không có nơi cư trú đến tạm trú; đồng thời phân công lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống dịch tại các điểm tạm trú.
Trong trường hợp quận, huyện, thị xã không thể bố trí được điểm tạm trú và nguồn lực hỗ trợ thì các địa phương chủ động phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Hà Nội để cùng tham mưu, báo cáo UBND Thành phố tìm hướng giải quyết với tinh thần “không để ai không có nơi ở trên địa bàn”.
Nguồn: Báo lao động thủ đô