Người khuyết tật có thể đi lại bình thường nhờ xương khớp nhân tạo in 3D

Nhưng vừa qua, lần đầu tiên công nghệ này được ứng dụng để thay thế đoạn xương đùi và khớp gối cho một người phụ nữ khuyết tật mất đoạn xương và thoái hóa khớp kèm theo biến dạng, co rút phần mềm suốt 18 năm nay. Kỹ thuật này có thể “cá thể hóa” đến từng chi tiết giải phẫu của người bệnh, mở ra một cánh cửa mới cho bệnh nhân bị thoái hóa hoặc khuyết tật xương khớp.

(Hình ảnh bệnh nhân trước khi mổ) Chân trái ngắn hơn chân phải khoảng 10cm, bệnh nhân không thể đi lại bằng chân trái

Ca phẫu thuật thay xương khớp cho bệnh nhân được chẩn đoán “hư hỏng vĩnh viễn”

Tai nạn nghiêm trọng xảy ra cách đây 18 năm khiến vùng đùi, gối trái của bà Ngô Thị Tuất (63 tuổi, Hà Nội) bị thương tổn nặng nề. Trải qua nhiều ca đại phẫu khiến chân bà khuyết hổng một phần xương đùi kèm theo khớp gối trái được chẩn đoán hư hỏng vĩnh viễn khiến bà gặp rất nhiều trở ngại trong vận động và hoàn toàn phải phụ thuộc vào nạng. Mới đây, bà và gia đình được giới thiệu đến Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao (CTCH&YHTT) của Bệnh viện ĐKQT Vinmec.

GS. Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm là người chịu trách nhiệm chỉ đạo ca mổ của bà Tuất chia sẻ, đây là ca bệnh nhiều thử thách vì bệnh nhân lớn tuổi, khớp gối sau nhiều năm thương tổn bị thoái hóa, biến dạng hoàn toàn, mất một đoạn thân xương đùi 10cm và một nửa khối lồi cầu xương đùi, cấu trúc khớp và xung quanh đều thay đổi, không thể phẫu thuật thay khớp gối như phương pháp thông thường. Các khối cơ vùng đùi bị teo gần hết, bị xơ hóa/ thoái hóa mỡ. Nếu không bảo tồn được cơ bắp sau mổ và không có lộ trình tập luyện thích hợp, bệnh nhân không thể vận động khớp gối dù có được thay thế bằng vật liệu nhân tạo. Phức tạp nhất chính là chênh lệch 10cm giữa chiều dài 2 chân, da và các phần mềm quanh khớp gối bị co rút theo thời gian. Đây chính là điểm khó khăn nhất mà ê kíp của Trung tâm CTCH&YHTT của Vinmec chưa từng gặp phải đối với các ca thay xương khớp nhân tạo trước đây, vốn chỉ là lấy bỏ phần xương cũ bị hỏng và thay thế bằng 1 đoạn xương mới khi phần mềm chưa có thay đổi nhiều. “Nếu trong quá trình mổ, các bác sĩ không tính toán kỹ về chiều dài của đoạn xương nhân tạo ghép vào sẽ có thể làm cho vết mổ quá căng, khiến bệnh nhân không thể cử động được, chưa kể những biến chứng như liệt thần kinh, tổn thương mạch máu có thể xảy ra” – GS Trần Trung Dũng nhấn mạnh.

Các bác sĩ Trung tâm CTCH&YHTT của Vinmec trong ca mổ dài 4h thay xương cho bệnh nhân Ngô Thị Tuất

 

Để thực hiện ca mổ này, các bác sĩ phải lên một kế hoạch vô cùng chi tiết: Cho bệnh nhân quét 3D toàn bộ trục chi dưới 2 bên để lấy dữ liệu; từ dữ liệu số hóa này bác sĩ lên phương án phẫu thuật mô phỏng ngay trên hệ thống máy tính bằng giả lập 3 chiều. Thông qua bản thiết kế được vạch ra bằng mô phỏng, các bác sĩ lựa chọn chi tiết các bước phẫu thuật, loại xương nhân tạo cần cấy ghép…

Trải qua gần 4 tiếng căng thẳng, các phẫu thuật viên đã thay thế thành công đoạn xương nhân tạo kèm khớp gối bằng hợp kim titan cho bệnh nhân. Chân trái được kéo dài thêm 7cm, khớp gối có thể tự gập, duỗi nhẹ nhàng. Sau mổ 2 ngày, lần đầu tiên sau 18 năm, bà Tuất có thể tự đứng dậy tập đi trên đôi chân của mình với dụng cụ hỗ trợ mà không hề có cảm giác đau đớn hay khó chịu gì.

Hình ảnh chụp 3D của đoạn xương nhân tạo sau khi được thay thế vào chân bệnh nhân.

Xương nhân tạo 3D – cứu tinh của người bệnh xương khớp

Với kinh nghiệm thực hiện hơn 100 ca phẫu thuật thay thế đoạn xương nhân tạo và công nghệ in 3D “cá thể hóa” đến từng chi tiết giải phẫu của bệnh nhân, chỉ định thay thế toàn bộ đầu dưới xương đùi kèm theo khớp gối trái bằng vật liệu nhân tạo hợp kim titan, thiết kế in 3D cá thể hóa theo giải phẫu bệnh nhân của  các chuyên gia của Trung tâm CTCHT&YHTT Vinmec đã được thực hiện thành công. Nhờ công nghệ này, xương đùi và khớp gối được tái tạo và thay thế chính xác theo đặc điểm giải phẫu cơ thể và hồi phục chức năng hoạt động của khớp gối, chấm dứt tình trạng thoái hóa, đau khớp gối mãn tính.

Không chỉ cá thể hóa trong phẫu thuật, các bác sĩ còn vạch ra cho bà Tuất một lộ trình tập phục hồi chức năng “cá thể hóa” do tình trạng các khối cơ vùng đùi bị teo gần hết, bị xơ hóa/ thoái hóa mỡ sau suốt 18 năm không vận động. Với lộ trình tập phục hồi chức năng tích cực từ 6- 8 tuần, bệnh nhân có thể tự đi mà không cần thiết bị hỗ trợ. Bà Ngô Thị Tuất là bệnh nhân đầu tiên được thay thế toàn bộ khớp gối kèm đoạn xương nhân tạo làm bằng hợp kim titan (khớp gối dạng Mega) mà không phải do nguyên nhân ung thư, có thời gian khuyết tật dài kỷ lục. Vậy là sau gần 20 năm gắn bó với đôi nạng, đi chạy chữa nhiều nơi nhưng đều nhận được hướng điều trị tạm thời như hàn cứng xương khớp, ghép đoạn xương đồng loại/ tự thân, thậm chí là cắt cụt/ lắp chân giả,.. đến nay mơ ước tự đi trên đôi chân mình của bà Tuất đã thành hiện thực.

Bà Ngô Thị Tuất với bài tập phục hồi chức năng “thiết kế riêng” sau phẫu thuật tại Vinmec.

Hiện nay, nhờ áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao như công nghệ mô phỏng và in 3D, robot định vị chính xác, phẫu thuật thay khớp gối đã cho kết quả rất khả quan với tỷ lệ tuổi thọ khớp có thể tồn tại lên tới 25-30 năm (theo y văn). Trung tâm CTCH&YHTT Vinmec là cơ sở thực hiện bài bản, thường quy các phẫu thuật thay thế xương nhân tạo điều trị tổn thương khuyết đoạn xương lớn không thể phục hồi do ung thư xương hoặc di chứng chấn thương xương khớp phức tạp.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích