Người dùng cảnh giác trước hàng loạt fanpage quảng cáo sai công dụng sữa Alica Sure Canxi

Trước đó, Chất lượng Việt Nam (VietQ) đã đăng tải bài viết “Sữa Alica Sure Canxi quảng cáo sai công dụng, chất lượng trên mạng xã hội?” thông tin sản phẩm sữa Alica Sure Canxi do Công ty TNHH Dược phẩm dưỡng sinh Phúc An Khang phân phối độc quyền có dấu hiệu quảng cáo sai công dụng trên mạng xã hội.

Cụ thể, tại trang https://www.alicasure.site/ quảng cáo sản phẩm Alica Sure Canxi như “thần dược” trị bệnh xương khớp. Mở đầu quảng cáo, tổ chức kinh doanh giới thiệu sản phẩm này đạt thương hiệu hàng đầu châu Á năm 2024 cùng cam kết “dứt đau xương khớp hiệu quả sau 10 ngày”.

Cũng tại trang web trên, sữa Alica Sure Canxi được quảng cáo với lời có cánh như kết hợp đỉnh cao giữa đông y và tây y hiện đại, 100% sữa non nhập khẩu từ Hoa Kỳ với công dụng giải quyết dứt điểm các tình trạng bệnh như: tê bì tay, khớp kêu lục cục, thoái hóa đốt sống cổ, đốt sống lưng, thoát vị đĩa đệm, khô khớp, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm…

Người dùng cảnh giác trước hàng loạt fanpage quảng cáo sai công dụng sữa Alica Sure Canxi.

Thậm chí, để người tiêu dùng mua sản phẩm sử dụng, tổ chức kinh doanh Alica Sure Canxi còn sử dụng hình ảnh bác sĩ Phạm Hòa Lan – nguyên Chủ nhiệm khu nghiên cứu thuốc và trang thiết bị y tế Bộ Quốc phòng để quảng cáo sản phẩm trái quy định pháp luật?

Sau khi bài viết được đăng tải, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến từ độc giả, đa số đều bức xúc trước việc quảng cáo sai công dụng trên. Tiếp tục tìm hiểu, PV nhận thấy sản phẩm này còn được quảng cáo như “thần dược” trên các trang fanpage facebook với lượt tiếp cận “khủng”.

Điển hình như fanpage “Sữa sâm Hoa Kỳ Alica Sure Canxi – xóa tan nỗi lo bệnh xương khớp”, dọa người bệnh xương khớp đừng tin vào các loại TPCN, thần y dởm trên mạng để rồi “tiền mất tật mang” mà hãy tin dùng sữa Alica Sure Canxi để “đánh bay nỗi lo bệnh xương khớp”.

Theo quảng cáo, sản phẩm Alica Sure Canxi được nghiên cứu, kết hợp với chuyên gia Hoa Kỳ bào chế thành công ra loại sữa này nhưng lại không đưa ra bất cứ tài liệu nào chứng minh. Tiếp đà quảng cáo, tổ chức kinh doanh “vống” chỉ cần 7 ngày sử dụng tay chân vận động linh hoạt, thoải mái, hết nhức mỏi, tê bì chân tay, không còn cứng mỏi khớp. Thần kỳ hơn, chỉ cần sử dụng 20-30 ngày khớp hết lục cục, xương khớp dẻo dai, giải quyết tận gốc tác nhân gây khô cứng, sưng đau khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa, chống viêm….

Tại trang “Alica Sure – sữa chuyên biệt dành cho người xương khớp” cũng dùng nhiều lời lẽ có cánh giới thiệu về sản phẩm này. Theo đó, tổ chức kinh doanh cam kết sử dụng sữa sẽ hết đau nhức, hết viêm xương khớp, ngăn ngừa thoái hóa, loãng xương… đồng thời “dụ” người dùng đăng ký vào link bán sản phẩm để đăng ký sử dụng.

Sữa Alica Sure Canxi không điều trị khỏi bệnh như quảng cáo.

Hay trang “Alica Sure Canxi điều trị dứt điểm bệnh xương khớp” lại đưa ra chính sách khuyến mại để thu hút người bệnh chi tiền mua sản phẩm. Kèm theo là các bác sĩ, diễn viên nổi tiếng nhằm tạo hiệu ứng cho bài quảng cáo như: “Sản phẩm được khuyên dùng bởi các bác sĩ đầu ngành cơ xương khớp, đặc biệt là thầy thuốc ưu tú Phạm Hòa Lan – nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thuốc trang thiết bị y tế Bộ Quốc phòng, các nghệ sĩ Mạnh Cường, Lan Hương, Quang Minh và hàng triệu bà con cô chú trên khắp cả nước tin tưởng sử dụng”.

Ngoài ra, còn nhiều fanpage khác cũng quảng cáo sản phẩm trái quy định pháp luật.

Theo ghi nhận của PV, sau mỗi bài đăng quảng cáo, tổ chức kinh doanh thường khuyên người bệnh để lại số điện thoại để nghe tư vấn, mua liệu trình sử dụng hoặc gọi tới số điện thoại đính kèm trên quảng cáo. Trong khi người tiêu dùng không biết rằng những công dụng nêu trên là không đúng.

Việc sản phẩm Alica Sure Canxi đang được kinh doanh tràn lan trên mạng xã hội là có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa dối người tiêu dùng. Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng, tòa soạn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, có biện pháp xử đơn vị có dấu hiệu gian dối để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Theo điều 8, Luật Quảng cáo 2012, được sửa đổi năm 2018, quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng (Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP). Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

NPV

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích