Người dân xã đảo Quảng Ninh ra bờ biển “vợt sóng” liên lạc người thân
Người dân xã đảo Quảng Ninh ra bờ biển “vợt sóng” liên lạc người thân
Để liên lạc được với người thân trong đất liền sau ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), người dân sinh sống ở 2 xã đảo Minh Châu và Quan Lạn của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) phải ra bờ biển, lên đỉnh đồi cao để bắt sóng điện thoại.
- • Quảng Ninh nhường 100 tỷ đồng hỗ trợ cho các tỉnh miền núi phía Bắc
Ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) toàn bộ hệ thống lưới điện
ra Cô Tô và 5 xã đảo của huyện Vân Đồn đều bị cắt do sự cố lưới điện, hệ thống
cột, trạm biến áp, đường dây truyền tải bị đổ, đứt… kéo theo đó hệ thống kết nối
sóng điện thoại của các nhà mạng cũng bị gián đoạn, ngắt kết nối.
Từ khoảng 12h ngày 7/9 đến nay, toàn bộ 2 xã đảo
Minh Châu và Quan Lạn điện lưới bị mất, sóng điện thoại ngắt kết nối. Mọi liên
lạc của người dân 2 xã đảo với người thân đều bị gián đoạn.
Anh Nguyễn Đức Mạnh, hiện sinh sống ở đảo Minh Châu
chia sẻ: “Từ khi bão số 3 đổ bộ đến nay, điện lưới ra đảo bị mất, nhà nào có
máy phát điện thì nổ một lúc tối, tranh thủ sạc tý pin điện thoại, nhà nào
không có thì đi sạc nhờ. Để liên lạc được với người thân trong đất liền người
dân xã đảo chỉ còn cách đổ xô ra bờ biển để “vợt sóng” điện thoại chập chờn từ
những cột phát sóng từ vùng biển Cô Tô”.
Theo chia sẻ của người dân sinh sống trên xã đảo, họ chưa bao giờ thấy cơn bão mạnh và gây thiệt hại nặng nề cho người dân như cơn
bão đợt này. Toàn bộ cây xanh trên đảo đều ngả nghiêng, hệ thống cột điện, cột
phát sóng của các nhà mạng cũng bị đổ gãy.
“Sức tàn phá của cơn bão quá khủng khiếp, tài sản của
người dân trên đảo bị ảnh hưởng nặng nề, hệ thống liên lạc gần như đứt quãng.
Ban ngày thì người dân tranh thủ dọn dẹp nhà cửa sau bão, ban tối thì mọi người
lại ra bờ biển đông như đi hội để bắt sóng điện thoại liên lạc hoặc vào mạng Internet
gọi cho người thân”, anh Mạnh chia sẻ thêm.
Người dân sinh sống ở xã đảo Quan Lạn cùng chung cảnh ngộ. Mọi người sinh sống ở đảo không thể liên lạc được với người
thân vì không có điện, sóng điện thoại.
Chị Bùi Thị Bích Thủy, sinh sống ở đảo Quan Lạn cho
biết: “Để có sóng điện thoại người dân phải đi từ nhà ra bãi biển hàng cây số
hoặc phải lên đồi cao mới bắt được nhưng cũng lúc được lúc không. Mọi người
thân trong đất liền biết gia đình mình an toàn sau bão chỉ còn cách khi có sóng
vào nhanh mạng 4G, 5G đăng tin lên trang Facebook cá nhân hoặc Zalo, một ngày
không liên lạc được mở máy ra biết bao cuộc gọi nhỡ với nhắn tin liên tục của
người thân vì lo lắng”.
Những dòng thông tin đăng trên mạng xã hội như
Facebook, Zalo của người dân xã đảo đều nhận được những dòng tin nhắn hỏi han,
động viên vượt qua bão gió. Có những tin nhắn nhắn vội hỏi hộ tin tức gia đình,
người thân sinh sống cùng đảo cũng chưa thể trả lời ngay vì sóng điện thoại lúc
được lúc mất.
Chị Vũ Thị Ngọc Hân, sinh sống làm việc tại Hải
Phòng có người thân sinh sống ở đảo Quan Lạn không khỏi lo lắng cho
biết: “Sau cơn bão số 3, tôi có gọi cho bố mẹ chồng sinh sống ở đảo để hỏi tình
hình ngoài đó nhưng mấy hôm nay đều không thể liên lạc được. Cứ rảnh là tôi gọi,
không gọi được lại nhắn tin nhưng do ngoài đó mất điện, mất sóng điện thoại nên
đầu dây bên kia đều không trả lời, cũng đành hỏi nhờ hàng xóm sinh sống cạnh đó
để nắm thông tin”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám
đốc Điện lực Vân Đồn cho biết: “Hệ thống điện lưới ở đảo Cô Tô và 5 xã đảo của
Vân Đồn đều bị tê liệt từ hôm bão đổ bộ, theo chỉ đạo là trong ngày hôm nay và
ngày mai sẽ tạm thời khắc phục hệ thống điện lưới ra các tuyến đảo.
Hiện tại, đơn
vị điện lực đang đi kiểm toàn bộ tuyến cột truyền tải điện 5 xã đảo của huyện
Vân Đồn và trên tuyến biển nhưng chưa xác định có bị sự cố hay không, nếu trường
hợp không sự cố thì sẽ đóng điện sớm với điều kiện đường dây 110Kv cấp điện được
cho 2 trạm biến áp 110Kv Vân Đồn 1 và Vân Đồn 2, nhưng nay 2 trạm chưa có điện.
Xác định phải thời gian dài điện lực mới có thể cấp điện cho dân các tuyến đảo. Hiện chưa thống kê được thiệt hại của ngành điện tuyến đảo, kéo theo đó hệ thống mạng
viễn thông cũng đình trệ điểm có điểm không”.