Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, động lực của chuyển đổi số

Dự chương trình có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các tổ chức chính trị – xã hội, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp và các trường đại học, học viện.

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là năm thứ 2 liên tiếp sự kiện được tổ chức, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp của Ngày Chuyển đổi số quốc gia là “Chuyển đổi số một cách tổng thể, xuyên suốt, toàn diện, bao trùm, liên thông nhưng có trọng tâm trọng điểm; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc và cho chính người dân, doanh nghiệp là yếu tố quyết định bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số quốc gia”.

Mặt khác, Thủ tướng cũng lưu ý rằng chuyển đổi số vừa có thời cơ, thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức, điều quan trọng là chúng ta phải có bản lĩnh và trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức để phát triển, với tinh thần “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, động lực của chuyển đổi số
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cho rằng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, đã trở thành phong trào, là xu thế đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên thế giới. Nhiều văn kiện và nghị quyết của Đảng đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược; xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia, với quan điểm dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, là nền tảng của sự phát triển, chúng ta cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát huy giá trị của dữ liệu số trở thành nguồn lực quan trọng cho phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số…

Thủ tướng nhấn mạnh: Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.

Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Thủ tướng nêu rõ 4 quan điểm chủ đạo trong chuyển đổi số nói chung và trong tạo lập, khai thác dữ liệu số. Trong đó, phải có tầm nhìn chiến lược và đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp điều kiện thực tiễn; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua; vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Chuyển đổi số quốc gia phải triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng. Trong đó, ưu tiên phát triển dữ liệu số, các dịch vụ công trực tuyến, phát triển các nền tảng số, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Theo Thủ tướng, Cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, động lực của chuyển đổi số
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đặc biệt, phải phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; để người dân và doanh nghiệp hiểu, ủng hộ và tham gia tích cực vào chuyển đổi số.

Phát triển các giải pháp công nghệ số

Năm 2023 là Năm Dữ liệu số quốc gia, với thông điệp “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số để thúc đẩy dữ liệu số phát triển ổn định, bền vững; đẩy mạnh việc tạo lập dữ liệu thông qua triển khai xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra giá trị mới.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về năm 2023 là Năm Dữ liệu số quốc gia, thời gian qua, chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là việc tạo lập và khai thác dữ liệu số đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng trân trọng như trong kết nối chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng dữ liệu số; số hóa dữ liệu.

Theo đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoạt động hiệu quả, năng lực phục vụ được tăng cường với 1,6 triệu giao dịch hàng ngày. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận gần 1,2 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin; Cơ sở dữ liệu quốc gia bảo hiểm đã xác thực thông tin trên 91 triệu nhân khẩu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cơ sở dữ liệu về hộ tịch điện tử đã có trên 45 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 9,2 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương; đồng bộ trên 2,1 triệu dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (đạt tỉ lệ 95%).

Hệ thống thông tin của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối dữ liệu với 80 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đã chia sẻ dữ liệu thử nghiệm hàng ngày, hàng tháng từ các bộ, ngành cho 15 địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Thủ tướng lưu ý, Trung tâm Dữ liệu quốc gia không thay thế cơ sở dữ liệu của các bộ ngành, địa phương. Cơ sở dữ liệu của các bộ ngành, địa phương có vị trí, vai trò riêng và góp phần làm phong phú thêm Trung tâm Dữ liệu quốc gia

“Các bộ, ngành, địa phương cần chung tay tháo gỡ những điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 và xác định, đây là yếu tố quyết định mọi sự thành công của chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất giải pháp bổ sung thông tin địa chỉ số quốc gia vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp tài khoản định danh điện tử với hệ thống sàn giao dịch bất động sản quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; khai báo địa chỉ số của cá nhân, tổ chức trên VNeID bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/11/2023…

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng số, nhất là hạ tầng dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng…; bảo đảm năng lực tính toán, truyền tải, tính ổn định, tin cậy và an toàn trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua tái cấu trúc quy trình, tái sử dụng dữ liệu sẵn có.

Đồng thời, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu số hóa, tái sử dụng dữ liệu; kết nối, tích hợp, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, động lực của chuyển đổi số
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Chương trình – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, phải hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Với quan điểm đầu tư cho nghiên cứu, phát triển công nghệ số, nhất là dữ liệu số là đầu tư cho tương lai, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tập trung nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ số để tạo ra giá trị bền vững trong tạo lập và khai thác dữ liệu; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D); tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc tế, tìm kiếm, phát hiện các mô hình, công nghệ, giải pháp hiện đại, áp dụng phù hợp ở Việt Nam.

Thủ tướng tin tưởng, với những nỗ lực, quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và phát triển dữ liệu số sẽ có nhiều chuyển biến toàn diện, tích cực, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phục cho nhân dân; công cuộc chuyển đổi số quốc gia tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, quản lý xã hội, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tháng 10 hằng năm, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; đồng thời, thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

P.Ngân

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích