Người dân phố cổ cần gì?
(Xây dựng) – Theo Ban Quản lý phố cổ, có những phố đã được cải tạo xong như phố Tạ Hiện, người dân được bầy hàng quán bình thường nhưng có những phố chưa được cải tạo, trùng tu các di tích và người dân không được bán hàng trên mặt hè phố. Tôi đến một tuyến phố đang chờ cải tạo, gặp một người phụ nữ ngồi với một dàn để các cốc chén. Tôi rẽ vào ngồi nghỉ, xin một chén uống nước. Người phụ nữ nhìn tôi, trả lời: Em không bán nước! Em chờ khách đến làm việc hàng bên cạnh, mời người ta một vài chén. Mà bác là ai, đến đây làm gì? – Tôi là nhà báo, đang tìm hiểu về phố cổ. Chị có giúp tôi được không?
Một góc phố cổ Hà Nội. |
Tôi hỏi: Chị ở trong nhà này à? – Vâng, em ở đây vài chục năm rồi. – Tôi hiểu ra rồi đấy, tức là phường không cho chị bán nước nên khi mới gặp tôi chị nói là không bán nước. Khi chắc chắn chỉ là khách vãng lai, không phải nhân viên trong ủy ban hay công an thì chị bán bình thường, phải không nào?
Bây giờ chị cho tôi hỏi nhé. Nếu Nhà nước giải tỏa chỗ này để cải tạo lại, đền bù cho chị và di dời gia đình chị đi nơi khác thì chị có đồng ý không? – Có, em đi luôn! Nhưng phải đền bù thỏa đáng và chỗ ở mới phải tươm tất một chút ạ.
Người dân cho tôi biết hai phố nhiều nhà cổ trong dự án cải tạo là Hàng Bạc và Hàng Đào. Đến phường Hàng Đào tôi đề nghị đặt lịch làm việc với UBND phường. Tiếp tôi, Phó chủ tịch phường Trương Thu Minh cho biết, phường Hàng Đào có 1.554 hộ với 5.272 nhân khẩu, chia làm 6 tổ dân phố trên 9 tuyến phố. Toàn phường có 55 nhà thuộc diện cần lưu giữ, hiện phường đã cho khảo sát và chuyển danh sách lên Ban Quản lý phố cổ. Phường khảo sát vào đầu năm 2019, đến cuối năm bắt đầu có dịch nên mọi việc phải dừng lại, tập trung chống dịch.
Nói chuyện với Phó chủ tịch, tôi hỏi: Nhà nước có dự án cải tạo phố cổ nhưng nghe nói dân không muốn di dời, có phải thế không nhỉ? Phố cổ chật, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn nên cũng có nhiều người muốn đi, tìm nơi có thể sống tốt hơn. Tuy nhiên, phố cổ là đầu mối kinh doanh, người dân chỉ cần bám lấy mặt tiền là kiếm sống dễ, do đó nhiều người không muốn di dời. Ở đây người dân truyền miệng cho nhau “ly hương bất ly thương”, tức là có thể di dời đến nơi khác nhưng không bỏ đầu mối buôn bán. Tôi nói: Có phải dự án cải tạo phố cổ đã tính đến điều đó, người dân chuyển sang bên Việt Hưng ở chung cư thì tầng 1 có các ki-ốt bán hàng dành cho họ? – Dự án của Nhà nước tính đến việc bảo đảm điều kiện sống cho người dân. Khi thực hiện dự án, anh em cán bộ phường tuyên truyền, vận động Nhân dân ủng hộ dự án. Chính sách là vậy, nhưng để chính sách đi vào cuộc sống là cả một quá trình chứ không đơn giản. Bác thử tính xem, chỗ ở mới dù có được nhận mấy ki-ốt đi nữa thì có đủ cho mọi người hay không? Nơi kinh doanh mới muốn thu hút khách hàng thì cũng phải mất nhiều thời gian, tóm lại là rất nhiều vấn đề.
Tôi hỏi: Các cán bộ cấp phường gần dân nhất như chị có đưa ra đề nghị gì không? Phó chủ tịch trả lới: Phố cổ hiện nay đông dân, ở chật chội nên không có điều kiện cải thiện đời sống. Tôi nghĩ rằng cần phải giảm mật độ dân xuống còn hai phần ba hiện nay. Những người phải di dời thì cần tạo điều kiện cho họ vẫn kinh doanh tại phố cổ, trong giờ nhất định để bảo đảm cuộc sống.
Rời phường Hàng Đào tôi sang phường Việt Hưng, nơi nghe nói là nhận dân từ phố cổ sang định cư. Người dân ở phố cổ sắp phải di dời nhìn vào những người đã đi, nếu chính sách định cư tốt, người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, điều kiện kinh doanh đủ bảo đảm cuộc sống thì chắc chắn người dân phố cổ sẽ ủng hộ dự án. Đến địa bàn phường Việt Hưng hỏi thăm dân nhưng không ai biết hiện những người di dời từ phố cổ đang ở đâu. Vào trụ sở Công an phường Việt Hưng, một anh công an trực nói “hình như di dời sang phường Giang Biên, bác sang bên ấy mà hỏi”. Lần mò tìm đường đến được phường Giang Biên, vào gặp một cán bộ tiếp dân. Anh ta đang bận, bảo: Ông chờ con sẽ hỏi cho ông. Chờ một lúc lâu anh gọi điện cho cán bộ phụ trách và bảo tôi: Ông ơi, không có người dân nào ở phố cổ đến ở phường Giang Biên đâu.
Tôi ngạc nhiên, như vậy có nghĩa là việc định cư thực hiện chưa tốt, chính sách chưa đi vào cuộc sống. Định cư cho dân di dời là một chủ trương lớn, cần phải được phổ biến rộng rãi để mọi người đều biết vì điều đó đáp ứng được yêu cầu của người dân và người dân ủng hộ dự án. Như Bác Hồ đã nói: Khó vạn lần dân liệu cũng xong.
Nguồn: Báo xây dựng