Người đàn ông Campuchia “tái sinh” hàng tấn chai nhựa thành chổi quét nhà
Người đàn ông Campuchia “tái sinh” hàng tấn chai nhựa thành chổi quét nhà
Trong một nhà kho nhỏ ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, một nhóm công nhân đang thực hiện các công đoạn tái chế nhằm biến hàng chục tấn chai nhựa bỏ đi thành những chiếc chổi quét nhà.
Theo hãng tin Reuters (Anh), suốt 11 tháng qua, những công nhân này đã biến khoảng 40 tấn chai nhựa bỏ đi, tương đương khoảng 5.000 chai mỗi ngày, thành những chiếc chổi đặc biệt, bền hơn chổi thông thường. Trong số đó, khoảng 1/5 là nhựa dùng một lần được thải ra các bãi rác và rác thải trên sông.
Ông Has Kea, chủ doanh nghiệp, cho biết ông đã mua chai nhựa bỏ đi từ những người thu gom và các bãi rác. Với nguồn cung dường như vô tận, ông tự tin về khả năng tồn tại lâu dài của công việc kinh doanh này. Ông Kea cũng hoan nghênh các doanh nghiệp cạnh tranh bước vào thị trường này.
“Điều này cũng giúp giảm ô nhiễm môi trường và khuyến khích người dân thu gom chai nhựa để bán cho chúng tôi với giá cao hơn, từ đó giúp họ có cuộc sống tốt hơn”, ông Kea chia sẻ.
Suon Kosal, khách hàng đã mua 80 chiếc chổi vào tháng trước, cho biết: “Chổi tái chế từ chai nhựa khá chắc chắn, không dễ gãy”.
Mỗi chiếc chổi được làm từ chai nhựa tái chế được bán ra thị trường với giá từ 10.000 riel đến 15.000 riel.
Giới chức địa phương cho rằng mô hình thu gom và tái chế rác thải nhựa của các doanh nghiệp nhỏ như ông Kea đang thực hiện cần được ủng hộ và nhân rộng, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khuyến khích người dân thu gom chai nhựa để bán với giá cao hơn, từ đó giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Theo Phnom Penh Post, Chính phủ Campuchia đã ban hành chính sách quản lý chất thải rắn ở các đô thị và yêu cầu phân loại chất thải thành chất hữu cơ, chất dẻo và chất rắn. Để kiểm soát và giảm thiểu việc sử dụng nhựa, giới chức cũng đã ban hành một số nghị định và hướng dẫn.
Đầu tiên là lệnh cấm nhập khẩu túi nhựa có độ dày trên 0,03 mm. Thứ hai là áp thuế bổ sung. Thứ ba là tính thêm phí sử dụng đồ nhựa trong siêu thị. Thứ tư là khuyến khích đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng từ nhựa sinh học. Cuối cùng là phát động chiến dịch thay đổi suy nghĩ của người dân về việc sử dụng đồ nhựa.
Ngoài ra, Bộ Môi trường Campuchia cũng đã khuyến khích người dân thực hiện các nguyên tắc 4R: reuse, reduction, recycling and rejection (tái sử dụng, giảm thiểu, tái chế và loại bỏ) rác thải nhựa.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị