Người dân Nghệ An rộn ràng đốt lửa trại đón giao thừa

Đêm giao thừa – thời khắc chuyển giao năm cũ đón năm mới Giáp Thìn 2024, không khí đón Tết ở vùng quê xứ Nghệ đâu đâu cũng rộn ràng, bừng sáng. Đó là ánh sáng được phát ra từ những đống lửa trại đỏ rực như ngọn đuốc ở ven đường, ngõ xóm – nơi người dân trong làng, trong xóm cùng góp củi, góp lửa, bật nhạc nhảy múa, nâng chén rượu chúc mừng cho một năm mới nhiều may mắn…

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số địa phương thuộc tỉnh Nghệ An cho thấy vào đêm 30 Tết, hàng trăm đống lửa trại hình tháp ở các thôn, xã của các huyện Hưng Nguyên, Đô Lương, Anh Sơn, Yên Thành, Tân Kỳ, Thanh Chương lại bừng sáng dọc hai bên đường ngõ xóm, xua tan bầu không khí lạnh lẽo, đón năm mới đang về. Việc đốt lửa đầu năm mới được người dân tại đây xem như là xua đuổi, đốt đi những xui rủi, những điều không may mắn trong năm cũ và mang lại những tốt lành rực rỡ trong năm mới.

Người dân Nghệ An rộn ràng đốt lửa trại đón giao thừa
Người dân chuẩn bị các đống lửa trại từ sáng sớm.

Ngồi bên đống lửa đỏ rực, ông Lê Thanh Hộ (81 tuổi ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm giao thừa bà con trong xóm, từ già trẻ, trai gái lại tập trung ở ngã 3 đường để đốt lửa trại chào năm mới. Mọi người sẽ cùng uống rượu, thưởng trà, vui vẻ nhảy múa, hát ca suốt đêm. Vậy nên, tôi cũng không ngủ, ra đây chung vui với các con cháu để đón năm mới nhiều sức khỏe, may mắn”.

Như thường lệ, cứ từ ngày 29 tháng Chạp, thanh niên trong xóm lại tập trung gom củi, gỗ sắp xếp thành hình tháp ở ngã ba ven đường để chuẩn bị cho đêm giao thừa, người dân thường nói đùa với nhau rằng “năm nào chưa có củi đốt thì coi như chưa có Tết”.

Người dân Nghệ An rộn ràng đốt lửa trại đón giao thừa
Các đống lửa trại được đốt ở khắp ngã 3 đường.

Theo ông Hộ, đốt lửa trại đêm giao thừa ở xã Hưng Thông nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung đã có từ xa xưa, dù không ai bắt buộc nhưng theo thói quen từ năm này qua năm khác nên dần dần thành phong trào, phong tục đẹp đẽ để gắn kết tình làng nghĩa xóm, người dân cùng quây quần vui vẻ, đón chờ chúc mừng năm mới…

Đặc biệt, từ khi Nhà nước cấm đốt pháo, việc đốt lửa trại đón giao thừa ở vùng quê càng ý nghĩa hơn. Những đống củi khô khi cháy, tàn lửa bay lên đẹp như pháo hoa càng khiến mọi người thích thú. Lửa trại ở đây được đốt từ những khúc gỗ, cành cây khô gom sạch trong vườn nhà nên vừa sạch vừa ấm áp. Các đống lửa được đốt ở khu đất rộng, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Người dân Nghệ An rộn ràng đốt lửa trại đón giao thừa
Trai gái, người già, trẻ nhỏ quây quần bên lửa trại.

Không những vậy, trong lúc nhảy múa vui vẻ bên đống lửa trại, nhiều người còn có thể tận dụng để nướng khoai, gà, vịt, làm món ăn dân dã phục vụ đêm giao thừa.

Vừa nhún nhảy vừa nâng chén rượu mời những người quanh đống lửa trại ấm áp ở giữa ngã ba đường làng, anh Phan Văn Hiếu (22 tuổi) hồ hởi nói: “Cả năm mới có một đêm giao thừa, cũng là dịp để anh em trong làng quây quần bên nhau ôn lại kỷ niệm và đón chào năm mới. Mọi người chúc nhau có một năm mới thật an lành, vui vẻ, may mắn, hạnh phúc và thành đạt hơn…”.

Người dân Nghệ An rộn ràng đốt lửa trại đón giao thừa
Người dân vừa ăn uống vừa chúc nhau những điều tốt lành.

Trong niềm vui chào đón năm mới anh Hoàng Trọng Nghĩa, một thanh niên tổ chức đêm lửa trại tại xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui và hạnh phúc khi tổ chức những đống lửa thay tiếng pháo vào thời điểm thiêng liêng chào đón năm mới, bên những đống lửa ấm đượm tình người, bà con hội tụ về đây cùng uống bát nước chè xanh, cùng cất tiếng hát ca ngợi quê hương đất nước, làm cho tình cảm giữa con người với con người, tình làng nghĩa xóm thêm được gắn kết bền chặt”.

Tiễn năm cũ, chào đón năm mới là thời khắc thiêng liêng bao đời nay của cha ông chúng ta và sẽ xuyên suốt trong hành trình phát triển của dân tộc, việc đốt lửa đón năm mới của các địa phương tại Nghệ An là việc làm đầy ý nghĩa cho một năm mới mùa màng bội thu, người người ấm no, nhà nhà hạnh phúc.

L.Thắm

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích