Người dân miền núi Quảng Bình vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Người dân miền núi Quảng Bình vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Sử dụng hợp lí nguồn vốn tín dụng chính sách để xây dựng mô hình, phát triển kinh tế, nhiều hộ dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã từng bước vươn lên thoát nghèo.
Trong những năm qua, nhiều hộ dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) được tiếp cận với nguồn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách đã vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.
Trong các hộ vay vốn và sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế, có hộ gia đình ông Đinh Chon (trú tại Bản Cà Ròong 2, xã Thượng Trạch). Trước đây, cuộc sống gia đình ông Chon gặp nhiều khó khăn, do công việc không ổn định, chỉ phụ thuộc vào việc săn bắt thú rừng và đốn củi. Thế nhưng, từ khi được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, gia đình ông Chon đã mạnh dạn vay số vốn 50 triệu đồng để xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản và trồng rừng. Hiện nay gia đình ông Chon đang chăn nuôi 5 con bò sinh sản và trồng 1,5ha rừng keo tràm.
Hằng năm từ mô hình kinh tế trên đang mang lại thu nhập bình quân cho gia đình ông khoảng từ 40 – 60 triệu đồng, đặc biệt là đã tạo việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế bền vững cho gia đình.
Không chỉ gia đình ông Đinh Chon, mà nhiều hộ gia đình khác thuộc đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn vay vốn, sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.
Đơn cử, hộ ông Đinh Vộ ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) cũng đã tận dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 50 triệu đồng, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư để chăn nuôi tổng hợp như: bò, lợn, gia cầm…Nhờ chăm chỉ tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm của ông phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Hiện nay, mô hình trang trại của gia đình ông cho thu nhập 70 triệu đồng/năm.
Ông Vộ phấn khởi cho biết: “Nhờ được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn để sản xuất, tôi và nhiều người dân khác đã biết chăn nuôi, trồng rừng để phát triển kinh tế, hiện nay cuộc sống của gia đình tôi và nhiều hộ dân ở xã Thượng Trạch đã tốt lên rất nhiều”.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ gia đình ở miền núi Quảng Bình đã có điều kiện để mở rộng đầu tư sản xuất, mang lại thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đồng bào ngày càng tin tưởng vào các chính sách của Đảng, nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Bố Trạch cho biết: “Thời gian qua, chi nhánh Ngân hàng chính sách huyện Bố Trạch đã hỗ trợ tối đa cho bà con nhân dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để xây dựng mô hình, phát triển kinh tế.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch sẽ tiếp tục giải ngân kịp thời các nguồn vốn vay, thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trên địa bàn xã Thượng Trạch và các xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị