Người Cơ Tu làm du lịch để giữ rừng, bảo vệ môi trường

Đánh thức tiềm năng

Đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống ở hai thôn Tà Lang – Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) nằm ở thượng nguồn sông Cu Đê. Nơi đây, được thiên nhiên ưu ái với địa hình đồi núi, cảnh quan thiên nhiên hữu tình, hoang sơ, không khí trong lành, mát mẻ, động thực vật phong phú, đa dạng.

Tuy nhiên, những năm trước, hoạt động du lịch tự phát đã khiến nơi đây trở nên ô nhiễm, hệ sinh thái bị tác động, nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu cũng bị pha trộn, ngày càng mai một.

Lễ hội truyền thống của người Cơ tu

“Họ đến để thưởng thức thiên nhiên, nhưng khi về họ để lại toàn là rác. Không ai quản lý những điểm du khách đến, du lịch tự phát đã tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tại đây. Người dân địa phương không có thu lợi được gì, còn phải gánh hậu quả về rác thải”, anh Đinh Như – Trưởng thôn Giàn Bí chia sẻ.

Trước tình hình trên, anh Đinh Như (A lăng Như) – người con đồng bào dân tộc Cơ Tu đã cảm nhận được môi trường đang bị suy thoái trên quê hương mình. Điều đó thôi thúc anh phải làm việc gì đó để bảo vệ môi trường, giữ gìn không gian sống của người Cơ Tu. A lăng Như quyết định: “Mình sẽ làm du lịch. Làm du lịch sinh thái để khai thác hợp lý cảnh quan thiên nhiên quê hương kết hợp khôi phục, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu vừa bảo vệ môi trường. Đó là một mô hình du lịch cộng đồng”.

Nghĩ là làm, A lăng Như tổ chức thành lập một Tổ hợp tác du lịch cộng đồng gồm 45 người. Được chính quyền tại xã ủng hộ, Tổ hợp tác đã tổ chức các tour trải nghiệm trong ngày để đón khách du lịch. Một mặt nhằm đưa hoạt động du lịch tại địa bàn đi nền nếp, bài bản, quản lý được điểm đến của du khách từ đó thu gom được rác thải, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

Mặt khác, để du khách được tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm các nét văn hóa truyền thống, các món ăn dân dã của núi rừng Tây Bắc, Tổ hợp tác đã khôi phục dần các nghề truyền thống và cũng để tạo thêm thu nhập cho đồng bào Cơ Tu.

Dự án homestay của anh A lăng Như đơn sơ, giản dị nhưng giữ được văn hóa của dân tộc Cơ Tu, lại không phá vỡ quang cảnh thiên nhiên của núi rừng

Bảo vệ môi trường để cải thiện sinh kế

Nhận thấy lượng khách du lịch có chiều hướng ngày một gia tăng, nhiều khách có nhu cầu nghỉ lại qua đêm nên anh Như đã mạnh dạn đứng ra vay tiền làm nhà lưu trú (hay còn gọi homestay).

Tháng 6/2019, dự án Homestay Đinh Như chính thức khởi công. Dự án nằm trong khuôn viên gia đình anh Như, nhìn ra bờ sông được bao quanh bởi những rặng tre và có hàng cau thẳng tắp dẫn lối vào. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và khánh thành vào đầu tháng 10/2019.

Dự án nhận được sự quan tâm và theo dõi của UBND huyện Hòa Vang.Từ mô hình này được lãnh đạo xã và huyện quan tâm cho mượn không lãi 300 triệu, cộng với tiền vay mượn thêm. Hiện nay, Tổ hợp tác làm du lịch đã thành lập được 7 nhóm để phục vụ du khách, và bước đầu khôi phục được nghề dệt thổ cẩm, đan lát, sắp đến sẽ khôi phục nghề điêu khắc hình tượng gỗ và cho ra các sản phẩm bán kèm theo như, chè dây, mật ong rừng, ớt xiêm rừng và thuốc thảo dược của người đồng bào.

Phong cảnh tuyệt đẹp ở Hòa Bắc là lợi thế phát triển du lịch sinh thái

Đồng thời, ngoài phát triển du lịch còn phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt với các sản phẩm thực phẩm sạch, rau sạch. Không những giúp bà con Cơ Tu phát triển kinh tế vườn rừng sẵn có tại địa phương mà còn bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng, phục vụ cho mô hình du lịch sinh thái.

Được sự hỗ trợ của chính quyền, các ban, ngành, địa phương và Tổ chức GEF (Quỹ Môi trường toàn cầu), anh A lăng Như đã cùng các cán bộ thôn đến từng hộ dân vận động, tuyên truyền người dân triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng rau sạch.

A lăng Như phấn khởi cho biết, những năm vừa qua du khách khi đến với Tà Lang, Giàn Bí đều bày tỏ sự hài lòng thích thú và hẹn sẽ trở lại trong dịp gần nhất. “Có đợt khách lên đến hơn 300 người. Nếu không do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chắc chắn giờ nơi này chúng tôi đang bận đón khách lắm” – anh Như cho hay.

Anh A Lăng Như cũng khẳng định, đây sẽ là “nghề mới” của bà con ở Tà Lang, Giàn Bí để phát triển kinh tế – xã hội. Từ khi làm du lịch, đồng bào nới đây sẽ không còn chặt phá rừng để làm nương rẫy, sẽ không còn cảnh họ lặn lội rừng sâu núi thẳm bứt mây hái đót, kiếm sống qua ngày. Ý thức bảo vệ rừng giữ rừng được nâng cao rõ rệt, những cánh rừng nguyên sinh sẽ “mặc sức” phát triển, những con suốt sẽ tuôn mãi dòng nước trong xanh.

Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng nhìn nhận, mô hình du lịch cộng đồng của đồng bào Cơ tu là sản phẩm có ý nghĩa, góp phần quảng bá văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch Đà Nẵng. Trong thời gian tới, Sở Du lịch cũng sẽ kết hợp với UBND huyện Hòa Vang tăng cường quảng bá hình ảnh, hướng dẫn du khách khám phá và trải nghiệm.

Bạn cũng có thể thích