Người cao tuổi không có lương hưu được nhận trợ cấp xã hội

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, Bộ nhận được phản ánh của công dân cho rằng điều kiện về độ tuổi hưởng chế độ bảo trợ xã hội hằng tháng còn cao, trong khi tuổi thọ của người dân Việt Nam hiện nay đạt trung bình là 73,6 tuổi. Do đó, người lao động kiến nghị điều chỉnh hạ thấp tuổi của người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội xuống, để động viên người cao tuổi sống vui, sống khỏe.

Về vấn đề này, Bộ LĐTBXH cho biết, Chính phủ đã nhiều lần ban hành văn bản hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội, nâng mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi. Đó là các Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/3/2002 quy định người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội; Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 quy định giảm độ tuổi người cao tuổi xuống còn 85 tuổi; Nghị định số 06/2011/NĐ- CP ngày 14/1/2011 quy định giảm độ tuổi người cao tuổi (không có lương hưu, trợ cấp xã hội của Nhà nước) xuống còn từ đủ 80 tuổi.

Ngày 15/3/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó quy định mở rộng thêm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại các địa bàn xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

Người cao tuổi không có lương hưu được nhận trợ cấp xã hội
Ảnh minh họa.

Gần nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ quyết định tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng, tăng 140.000 đồng so với mức cũ (360.000 đồng), áp dụng từ ngày 1/7 năm nay.

Bộ LĐTBXH cho rằng việc mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi là một cố gắng lớn của Chính phủ trong bối cảnh khả năng bố trí ngân sách thực hiện còn nhiều khó khăn.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó quy định, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ), hoặc đối tượng là công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định, thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội. Tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.

P.Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích